Cơ hội nào cho cảng Cái Lân khi "ông lớn" hàng hải mở tuyến cố định?

Thứ hai, 10/10/2022 15:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hãng tàu Maersk Line mở tuyến vận tải container cố định được kỳ vọng sẽ tạo nên những cơ hội mới cho cảng biển Quảng Ninh.

Hãng vận tải lớn nhất thế giới mở tuyến cố định

Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, sau một thời gian chạy thử nghiệm, hãng tàu lớn của thế giới Maersk Line sẽ mở tuyến cố định tới cảng CICT Cái Lân. Dự kiến, mỗi tuần sẽ có 1 chuyến tàu của hãng này cập cảng.

Được biết, hãng tàu này đã có khoảng 1 năm chạy thử nghiệm vào cảng Cái Lân trước khi chính thức mở tuyến cố định. Tuyến được mở sẽ nằm trong lịch trình kết nối Trung Quốc - Việt Nam.

Tàu container của Maersk cập cảng Cái Lân. Ảnh: CICT Cái Lân

Theo đó, tàu sẽ khởi hành từ Hong Kong theo hành trình: Hong Kong - Cái Lân (Quảng Ninh) - Tân Vũ (Hải Phòng) - Yantian - Ningbo - Shanghai. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là mặt hàng khô, thiết bị máy móc, công nghệ xuất nhập khẩu...

Maersk Line, thành lập năm 1928, là công ty con lớn nhất của Maersk Group, một tập đoàn kinh doanh của Đan Mạch.

Đây là công ty vận tải container lớn nhất thế giới cả về quy mô đội tàu và năng lực vận chuyển hàng hóa, có 374 văn phòng tại 116 quốc gia. Hãng vận tải này có khoảng khoảng 31.600 nhân viên, trong đó 7.000 là thủy thủ đoàn và 24.600 nhân viên vận hành. Hãng tàu Maersk Line khai thác trên 786 tàu và có công suất 4,1 triệu TEU.

Ngoài ra, từ tháng 8/2022, hãng tàu SITC cũng bắt đầu chạy thử nghiệm vào CICT Cái Lân. Đến nay, 2 hãng tàu đã thực hiện vận chuyển 12 chuyến hàng với tổng số hơn 7.000 Teus.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn thiết kế Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết ban đầu, cảng CITC được thiết kế cho tàu container khoảng 45.000 DWT với kỳ vọng sẽ đón được hàng hóa giao thương tại phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên khi đi vào khai thác lại có nhiều khó khăn. Do hệ thống mạng lưới logistics, các hãng tàu chủ yếu qua cảng Hải Phòng để có sự thuận tiện.

Ông Tuấn đánh giá việc một hãng tàu lớn của thế giới mở tuyến cố định tại cảng Cái Lân là tín hiệu tích cực cho cảng biển nơi đây. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để duy trì được tuyến. Để làm điều đó, cần nhiều tố như hạ tầng kết nối, luồng hàng hải... và mấu chốt là hàng hóa.

“Hãng tàu lập tuyến là điều kiện cần, điều kiện đủ là hậu phương, hàng hóa. Hiện nay, hạ tầng kết nối đường bộ tại Quảng Ninh cơ bản tốt, các tuyến đường thủy nội địa kết nối từ Quảng Ninh với các tỉnh phía Bắc cũng đã có. Về vấn đề hàng hóa, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ hàng, các công ty vận tải để có thể có nhiều luồng hàng hóa đến Cái Lân”, lãnh đạo Portcoast nói và nhấn mạnh: Doanh nghiệp cảng cũng cần nỗ lực kích cầu, marketing, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa đến cảng, cung cấp các dịch vụ tốt nhất.

Cảng Cái Lân có thể đón được tàu 85.000 tấn giảm tải

Để có thể duy trì tuyến tàu container cố định, vẫn cần có nhiều yếu tố

Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh thông tin với điều kiện luồng lạch hiện nay, cảng Cái Lân có thể đón được tàu 85.000 tấn giảm tải và mớn nước phù hợp.

“Hãng tàu hiện đang trong giai đoạn khai thác kinh doanh và vẫn tiếp tục mang tính thử nghiệm, nếu hiệu quả, sẽ tiếp tục duy trì tuyến. Có lẽ phải cần tới cuối năm mới có thể thấy rõ được hiệu quả của tuyến tàu mới”, vị đại diện này chia sẻ.

CICT Cái Lân là liên doanh giữa CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (thuộc TCT Hàng hải VN) và tập đoàn SSA Holdings International (Mỹ). CICT Cái Lân hiện đang quản lý, khai thác các bến số 2, 3 và 4 của Cảng Cái Lân.

Đây từng là cảng container đầu tiên tiếp nhận tàu lớn ở phía Bắc. Dù là một cảng nước sâu nhưng nhiều năm qua, hàng qua cảng Cái Lân chủ yếu là hàng rời, hàng khô, hàng tổng hợp...

Theo báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân, kể từ khi tuyến dịch vụ ACS của hãng tàu HMM tạm dừng hoạt động tại CICT vào tháng 7/2020, cảng vẫn chưa tiếp nhận khai thác tuyến container cố định nào.

Việc tiếp cận các hãng tàu để đưa về tuyến cố định còn nhiều khó khăn với những nguyên nhân khách quan như chân hàng không ổn định, cạnh tranh trực tiếp với Lạch Huyện (Hải Phòng) và sự thiết hụt sản lượng hàng xuất khẩu ổn định.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)