Tốc độ tăng trưởng của cảng biển thời gian qua khá chậm, thấp nhất trong vài năm trở lại đây đang đặt các doanh nghiệp trước tình cảnh khó khăn.
Chỉ cố gắng để đừng giảm sâu
Tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đang chậm lại trong suốt thời gian qua. Ngay tại hai khu vực cảng biển được xếp loại đặc biệt là cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, mức tăng trưởng cũng khá ì ạch.
Từ nay tới cuối năm 2022, khối cảng biển không có nhiều cơ hội để bật tăng. Ảnh: AT
Tại Hải Phòng, thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho thấy năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 91,7 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020. Trong đó sản lượng hàng container đạt 63,9 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2020.
Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển thành phố này đạt 70,6 triệu tấn, chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng container đạt 49,7 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tháng 9/2022, sản lượng hàng hóa có sự tăng trưởng tốt hơn khi đạt 7,4 triệu tấn, tăng 5,6% so với tháng 9/2021. Trong đó, hàng container đạt 5,2 triệu tấn.
Ở khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, số liệu từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho hay: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 83,9 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Khối lượng hàng container thông qua bằng tàu biển ước đạt 26,3 triệu tấn, tăng 2%. Trong đó, tổng số lượt tàu biển thông qua cảng giảm, ước đạt 14.463 lượt, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân, các doanh nghiệp cảng biển dù nỗ lực nhưng khả năng đạt được đột phá không dễ. “Tốc độ tăng trưởng của các cảng biển đạt 2 - 3% trong năm nay là đạt yêu cầu, chỉ cố gắng đừng để giảm sâu”, ông Lân nói.
Báo cáo cập nhật ngành cảng và vận tải biển của SSI Research mới đây dự báo, tình hình thị trường vận tải biển đang xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu.
Đối với vận tải nội địa, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc, sản lượng hàng hóa đã giảm 2,6% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022. Giá cước vận tải nội địa cũng đã giảm 5 - 10% trong quý III/2022.
Dù vậy, SSI Research dự báo sản lượng vận tải hàng hóa sẽ cải thiện vào cuối năm, có thể khiến giá cước hiện tại được duy trì trong quý IV/2022.
Giá bốc xếp đang thấp
Tốc độ tăng trưởng của các cảng biển thời gian qua khá chậm. Ảnh: CMIT
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho rằng, chính sách hạn chế đi lại, theo đuổi “Zero Covid” của Trung Quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như tình hình giá dầu có nhiều biến động cộng với lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, không loại trừ Việt Nam và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa.
Đồng quan điểm, ông Hồ Kim Lân đánh giá, việc các cảng biển giảm tốc là bài toán chung, không chỉ cho cảng biển tại Việt Nam mà cả thế giới.
Bởi lẽ, ngành hàng hải chịu tác động của nhiều yếu tố liên quan tới tình hình kinh tế - chính trị - xã hội.
Ở trong nước, ông Lân cho rằng, các doanh nghiệp cảng biển đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có việc nạo vét luồng lạch còn chậm.
Đơn cử thời gian qua, Hiệp hội cảng biển VN đã có văn bản kiến nghị xử lý những vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục và quy định đối với hoạt động nạo vét duy tu cảng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi hiện nay còn những vướng mắc về vị trí đổ vật chất nạo vét và quy định liên quan đến Luật Khoáng sản.
Điều này khiến việc nạo vét luồng bị chậm chễ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển khi các tàu có thể phải giảm bớt lượng hàng hóa chuyên chở.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc CTCP Gemadet Phạm Quốc Long cho rằng, việc nhiều nhà sản xuất không có hàng để xuất khẩu khiến lượng đơn hàng xuất, nhập khẩu sụt giảm mạnh.
Do đó trong những tháng cuối năm 2022, khối cảng biển khó có những cơ hội bứt phá, trừ khi tình hình lạm phát được kiểm soát.
“Để đối mặt với những thách thức trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh để tránh tối đa các thiệt hại”, ông Long nói và chia sẻ thêm: Giá bốc xếp hàng hóa tại cảng biển của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ bằng 50% so với khu vực và thế giới. Bởi thế, cần xem xét điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, dù nhu cầu vận chuyển hàng hóa có thể bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, song những hiệp ước kinh tế mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... có thể mang tới những cơ hội cho các cảng biển.