Chi cục Đường thủy nội địa khu vực(KV) I triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATGT đường thủy khu vực phía Bắc.
Lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ khu vực I và các đơn vị liên ngành ký giao ước
phối hợp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy (tháng 9/2022)
Chủ động, tích cực phối hợp liên ngành
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực I cho biết, thực hiện Kế hoạch số 653 ngày 5/4/2022 của liên Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Đăng kiểm VN và Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, Chi cục chủ động, tích cực phối hợp với một số địa phương khu vực phía Bắc triển khai công tác liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Sự tích cực tham gia công tác liên ngành góp phần tạo chuyển biến về ý thức của các chủ thể tham giao thông đường thủy, sản xuất kinh doanh vận tải thủy.
Có thể kể đến sự phối hợp liên ngành thường xuyên giữa Chi cục ĐTNĐ khu vực I, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, Chi cục Đăng kiểm số 1 với Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ, Thanh tra Sở GTVT Phú Thọ để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia sông Lô, sông Hồng, sông Đà thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị liên ngành tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT đường thủy chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng như người điều khiển, thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy, người tham gia hoạt động kinh doanh cảng, bến thủy; người đi trên phương tiện thủy; đơn vị thi công công trình trên đường thủy…
Cùng với mở hội nghị tuyên truyền trực tiếp, cấp phát văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, Chi cục mở trang thông tin điện tử để kịp thời cập nhật, thông tin về các quy định pháp luật được sửa đổi, bổ sung; thực hiện thông báo luồng, hạn chế giao thông đường thủy để đơn vị, cá nhân vận tải thủy kịp thời nắm bắt, chủ động lịch trình vận tải; thông báo các vị trí chống va trôi, phao neo, trụ neo tránh trú bão để bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy khi tham gia giao thông trên tuyến.
Đi đôi với tuyên truyền, các đơn vị trong liên ngành phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ công tác quản lý giao thông, bảo đảm ATGT đường thủy và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy.
"Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục chỉ đạo lực lượng Thanh tra – an toàn trực thuộc Chi cục phối hợp với lực lượng cảng vụ đường thủy, Thanh tra Sở GTVT Phú Thọ, CSGT, Chi nhánh đăng kiểm Vĩnh Phú tham gia liên ngành kiểm tra 48 cảng, bến, công trình trên đường thủy, phương tiện thủy và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 270 triệu đồng.
Sự phối hợp liên ngành giúp chấn chỉnh đồng bộ các hiện tượng vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy trên tuyến sông Lô, Hồng, Đà qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần ngăn ngừa tai nạn, sự cố giao thông thủy", theo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I.
Lực lượng Thanh tra - an toàn(Chi cục ĐTNĐ KVI) phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội
tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật giao thông đường thủy
tại bến khách ngang sông trên sông Hồng
Tăng cường phối hợp, thông tin kịp thời diễn biến luồng tuyến
Lãnh đạo Chi cục cho biết thêm, trong những tháng cuối năm 2022, liên ngành thống nhất tiếp tục duy trì và tăng cường các nội dung phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật giao thông đường thủy đối với các tổ chức, cá nhân trên tuyến sông Lô, Hồng, Đà. "Việc kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm theo chuyên đề và phạm vi cụ thể; xử lý nghiêm những vi phạm có tính chất phức tạp để giải quyết các hiệu quả, đặc biệt với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT đường thủy", Chi cục ĐTNĐ khu vực I cho biết giải pháp phối hợp liên ngành.
Nhằm bảo đảm ATGT trên tuyến các tuyến đường thủy quốc gia phía Bắc, thời gian qua, Chi cục ĐTNĐ khu vực I luôn chủ động nắm bắt diễn biến luồng tuyến, các điểm phát sinh nguy cơ phức tạp về giao thông thủy (do khan cạn, mưa lũ, thủy điện xả lũ hoặc diễn biến thủy văn phức tạp) để kịp thời bố trí báo hiệu, khuyến cáo người điều khiển phương tiện thủy, cũng như đề xuất các giải pháp xử lý.
Như thời điểm tháng 9/2022, theo Chi cục, trên tuyến sông Hồng và sông Lô có 16 điểm (vị trí, đoạn luồng hoặc khu vực giao cắt) được xác định là điểm tiềm ẩn (có nguy cơ) xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Cụ thể, trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái, Phú Thọ có 7 điểm: Km254-Km256, Km257-Km257+800, Km261+700-Km266+000, Km359+000 (bãi Vật Lợn) đều do có bãi cạn trên luồng nên kích thước luồng chạy tàu không đảm bảo cấp kỹ thuật. Tại Km260-261 có bãi đá ngầm và kích thước luồng thực tế nhỏ hơn trị số tối thiểu của cấp kỹ thuật luồng.
Cũng trên sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, các vị trí tiềm ẩn TNGT là cầu Yên Lệnh và cầu Tân Đệ, do tĩnh không các cầu vượt sông này không đảm bảo theo cấp kỹ thuật.
Còn trên tuyến sông Lô thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang có 9 điểm tiềm ẩn TNGT đường thủy do có bãi đá ngầm hoặc bãi cạn khiến kích thước luồng chạy tàu không đảm bảo theo cấp kỹ thuật.
Các điểm có bãi đá, dải đá ngầm gồm: Km11-Km11+700, Km45-Km46, cụm cầu Việt Trì – Hạc Trì (trên đoạn dài 700m), Km15-Km15+800, Km17-Km18+000, Km30 và Km41-Km41+500. Các điểm có bãi cạn: Km5-Km6 và Km107+200-Km111.
"Do kích thước luồng chạy tàu không đảm bảo nên các vị trí trên tiềm ẩn nguy cơ TNGT đối với các phương tiện thủy lớn khi lưu thông qua.
Để phòng ngừa tai nạn, các phương tiện thủy khi hành trình đến các vị trí trên cần tuyệt đối tuân theo hệ thống báo hiệu đường thủy bố trí tại hiện trường, chủ động tìm hiểu điều kiện thực tế của luồng và chấp hành hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông (tại vị trí có điều tiết) để vận hành lưu thông phương tiện thủy an toàn", Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I khuyến nghị người điều khiển phương tiện thủy.