Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero Covid. Tuy nhiên hiện tại, các tàu biển đến cảng Trung Quốc chỉ cần cách ly 7 ngày thay vì 21 ngày.
Dịp cuối năm, vận tải biển đối mặt với nhiều khó khăn do những biến động của thị trường, từ lạm phát, cuộc xung đột Nga - Ukraine... Trong đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng có nhiều tác động tới thị trường vận tải biển Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, một số cảng biển của Trung Quốc hiện nay đã "dịu" hơn trong việc kiểm soát Covid-19 và tình trạng tắc nghẽn tàu cũng đã giảm bớt, song nhìn chung các tàu sang các cảng biển của nước này vẫn gặp nhiều khó khăn khi cập cảng làm hàng.
Các công nhân cảng biển trong trang phục bảo hộ ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Getty/Bloomberg
Cụ thể, các tàu đến cảng đều phải neo chờ 7 ngày. “Trong 7 ngày cách ly, toàn bộ thủy thủ đoàn vẫn phải test PCR hàng ngày. Nếu các thuyền viên âm tính, tàu mới được vào sửa chữa. Toàn bộ chi phí test Covid-19 đều do chủ tàu chi trả”, lãnh đạo Công ty CP Vận tải xếp dỡ Hải An chia sẻ và nói thêm, điều phiền phức hơn là trong 7 ngày đó, chủ tàu tốn chi phí cho việc vẫn vận hành tàu, lương cho thuyền viên, chi phí thực phẩm...
Cũng là doanh nghiệp có tàu được mang sang sửa chữa tại Trung Quốc, ông Đặng Hồng Trường, Phó Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết: Gần như thuyền viên không được lên bờ. Việc neo ở cảng khiến chủ tàu tốn kém thêm các khoản chi phí, mất thêm ngày tàu.
Hiện tại, các tàu biển đến cảng Trung Quốc chỉ cần cách ly 7 ngày thay vì 21 ngày như giai đoạn trước
Dù vậy, các doanh nghiệp cho biết: Tuyến tàu kết nối với các cảng biển của Trung Quốc vẫn luôn được duy trì. Bởi thị trường Trung Quốc lớn nhất nhì thế giới, là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chấp nhận những khó khăn để duy trì các tuyến vận tải.
Trước đó, chính sách này khiến các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chịu nhiều thiệt hại. Cách đây mấy tháng, Trung quốc siết chặt chính sách Zero Covid khiến các tàu khi đến cảng phải cách ly tới 21 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc tàu sang cảng của Trung Quốc có lúc phải “nằm chơi” qua 21 ngày mới được cảng xem xét cho vào làm hàng.
Thậm chí, có những tàu buộc phải quay đầu về Việt Nam khi có ca nhiễm Covid-19. Ước tính, chi phí thiệt hại cho mỗi chuyến như vậy khoảng 4 - 5 tỷ đồng.