Ngày 20/4/2022, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều dự án đầu tư phát triển nhằm đưa Tổng công ty bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
Báo cáo trước ĐHĐCĐ, ông Đỗ Hùng Dương – thành viên HĐQT cho biết, VIMC đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông giao và về đích trước 6 tháng. Cụ thể: doanh thu hợp nhất hơn 14.300 tỉ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 1.825 tỉ đồng; Lợi nhuận trước thuế hơn 3.640 tỉ đồng. Những tín hiệu tốt đẹp của hoạt động sản xuất kinh doanh mang đến sự phát triển hiệu quả của VIMC trong những năm tiếp theo, đảm bảo lợi ích cao nhất cho nhà nước và các cổ đông.
Năm 2022, VIMC sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái vận tải biển – cảng biển – logistics để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Vận tải container sẽ đóng vai trò kết nối với mạng lưới hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải. VIMC đặt mục tiêu sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 132,6 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021; vận tải biển đạt hơn 19,3 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.518 tỷ đồng.
Tại Đại hội, các cổ đông của VIMC cũng đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng của Đại hội như: Các chỉ tiêu chính của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; Kế hoạch phát triển đầu tư vào đội tàu vận tải container; Chủ trương sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh….
Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh trình bày về kế hoạch đầu tư của VIMC
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết theo chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 25.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến giá trị thực hiện khoảng 2.200 tỷ đồng, đến năm 2030 dự kiến khoảng 10.700 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của VIMC giai đoạn này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng nước sâu, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả…), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển, cơ cấu vốn điều lệ của Tổng công ty sau cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm nay VIMC tiếp tục chuyển hướng đầu tư vào đội tàu vận tải container. VIMC sẽ thành lập Công ty cổ phần Vận tải container có vốn điều lệ 2.041 tỷ đồng, phần vốn góp của tổng công ty khoảng 1.041 tỷ đồng bằng tài sản là phương tiện, thiết bị đội tàu container, hoặc từ tiền thu được từ việc thanh lý tàu.
Việc VIMC phát triển đội tàu container sẽ góp phần nâng cao năng lực đội tàu container của Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ hàng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Để đạt mục tiêu này VIMC sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sau khi được cổ đông thông qua, Tổng công ty sẽ hoàn thiện thủ tục để báo cáo Uỷ ban quản lý vốn nhà nước phê duyệt, vì hiện nhà nước vẫn nắm 99% cổ phần tại VIMC. Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển vận tải loại hàng này.
Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng lớn như: Dự án Bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện; Nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ; tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (15 tàu với tổng trọng tải 372.293 tấn); Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC và phát triển chuỗi dịch vụ logistics “door to door”…
Chủ tịch HĐQT Lê Anh Sơn trả lời các câu hỏi, góp ý của cổ động tại Đại Hôi
Trong phần thảo luận, các cổ đông đã tích cực đóng góp các ý kiến, đặt câu hỏi, Đoàn chủ tịch cũng đã cập nhật thêm thông tin, trả lời các vấn đề mà các cổ đông quan tâm.
Đại hội đồng cổ đông VIMC năm 2022 đã kết thúc thành công trong sự tin tưởng và tán thành của cổ đông vào những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới, tiếp tục khẳng định hành trình VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.