Cục Hàng hải Việt Nam đẩy mạnh công tác quản lý chất thải từ tàu

Thứ tư, 18/05/2022 17:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong hai thập kỷ gần đây, giao thông hàng hải toàn cầu đã không ngừng tăng trưởng. Vì vậy, chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp hàng hải ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Tình trạng xả rác và dầu thải bất hợp pháp ở các khu vực ven biển và đại dương đang trở thành vấn đề nổi cộm. Chất thải có dầu, rác thải, nhựa, nước thải và chất thải nguy hại sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường biển, ngành thủy sản và du lịch, làm tăng lượng rác thải trên các đại dương.

Để giảm thiểu tình trạng tàu xả thải trái phép ra biển và nhằm cải thiện công tác xử lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam, trong hai năm vừa qua, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đã hợp tác với Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển“ do Liên minh châu Âu và chính phủ Đức đồng tài trợ. Ngày 16/5 và 17/5, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với dự án đồng tổ chức hội thảo quốc gia và khu vực về về quản lý chất thải từ tàu và cảng biển: Giải quyết vấn đề rác thải biển từ tàu thương mại và cảng biển, với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ TP HCM, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, một số cảng vụ của Việt Nam, các nước thành viên ASEAN, cùng các chuyên gia và các tổ chức trong và quốc tế.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện Dự án thí điểm “Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam” tại cảng Tân Cảng Cát Lái (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn). Dự án do Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France triển khai, quản lý và được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của VINAMARINE và Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, cũng như được sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng hải trong nước và quốc tế.

Tại Việt Nam, các tàu có thể chuyển chất thải đến các cơ sở tiếp nhận ở một số cảng. Tuy nhiên, nhiều cảng đang phải đối mặt với một số thách thức nhằm cung cấp các dịch vụ thu gom rác thải tư tàu một cách hiệu quả. Nhiều cảng biển Việt Nam chưa được trang bị các phương tiện, hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải tàu biển, hầu hết các doanh nghiệp cảng biển đều ký kết hợp đồng với một đơn vị thu gom và xử lý chất thải bên ngoài, mặc dù chính phủ đã xây dựng các quy định khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở tiếp nhận chất thải tại cảng (ví dụ: Thông tư 41/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, Luật Bảo vệ môi trường 2020).

Nếu không thể chuyển chất thải lên các cơ sở tiếp nhận của cảng hoặc các hệ thống thu gom khác, các tàu ghé cảng Việt Nam sẽ đổ trái phép chất thải ra biển.

Trong quá trình triển khai tại cảng Cát Lái, dự án đã đưa ra một số khuyến nghị dựa trên cơ sở đánh giá hiện trạng tại cảng, rà soát văn bản pháp lý, thảo luận về các thông lệ tốt nhất đang áp dụng tại các cảng Châu Âu. Dự án đã thiết kế xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống khai báo chất thải trực tuyến, đề xuất xây dựng hệ thống thu phí bù chi mang tính khuyến khích hơn và chuẩn hóa các thủ tục kiểm soát (Sổ tay Quản lý Chất thải từ tàu - SWMM) như đã được các bên liên quan thống nhất, như Vinamarine, cảng vụ, các đơn vị quản lý rác thải.

Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: “Hệ thống khai báo chất thải trực tuyến đã được triển khai thử nghiệm tại Cảng vụ Hàng hải TP HCM và cũng đã được mô tả trong SWMM để cung cấp thông tin cho các bên liên quan, cảng có thể cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý chất thải hiệu quả cho các tàu trong tương lai và giảm bớt các thủ tục hành chính cho các đại lý tàu biển“.

Ông Rui Ludivino, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Áp dụng hệ thống thu phí bù chi sẽ thúc đẩy các tàu biển chuyển chất thải lên các cơ sở tiếp nhận tại cảng. Hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành vận tải biển mà còn mang lại lợi ích tài chính và hành chính cho các cảng và các bên liên quan, bao gồm cả đơn vị thu gom, xử lý chất thải. Điều này sẽ không chỉ giúp cảng tuân thủ đầy đủ các công ước quốc tế và quy định quốc gia mà còn là một ví dụ cho các cảng khác trong khu vực Biển Đông. Chúng tôi rất vui mừng khi hỗ trợ hoạt động này cho Việt Nam trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của các cảng biển châu Âu.“

Theo ông Jens Peter, chuyên gia chính về quản lý rác thải từ tàu của dự án “Suy nghĩ lại về nhựa“: “Điều quan trọng là chất thải thu được từ tàu phải tiếp tục được quản lý hợp lý trên đất liền và phù hợp với hệ thống quản lý chất thải đô thị và tuân thủ các quy định khác trong nước về xử lý cho đến khâu loại bỏ cuối cùng. Tất cả các bước từ thu gom đến xử lý và loại bỏ cuối cùng phải được quản lý một cách hiệu quả. Ví dụ, tại châu Âu, việc áp dụng đầy đủ hoặc một phần phương thức phí chất thải gián tiếp như vậy đã góp phần làm tăng đáng kể việc chuyển chất thải từ tàu lên các cơ sở tiếp nhận tại cảng của EU và làm giảm xả thải trái phép xuống biển. Chắc chắn, việc áp dụng phí gián tiếp rộng rãi hơn sẽ có tác động tích cực đến môi trường ở Đông Nam Á. Chúng tôi đã tích cực trao đổi và làm việc trong hai năm qua và sẽ phổ biến các kết quả của dự án thí điểm tới các cảng khác của Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác khu vực về quản lý chất thải từ tàu.“

Vài nét về dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”

 “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nên kinh tế tuần hoàn cho nhựa tại bảy nước Đông Á và Đông Nam Á nhằm góp phần làm giảm đáng kể rác thải biển. Đây là dự án do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do Cơ quan hợp tác Đức (GIZ GmbH) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)