Ngày 09/12 tại trụ sở Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), cấp phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (sau đây gọi là Giấy phép lưu hành xe).
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp
Chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe, lái xe, chủ hàng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hồng Điệp, Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cùng phối hợp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe, lái xe, chủ hàng.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra các Khu QLĐB đã khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Các cảng biển lớn tại TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe chở hàng quá tải ra vào cảng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các Hiệp hội và toàn xã hội; đồng thời phản ánh đa chiều về các bất cập trong công tác KSTTX.
Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các Khu QLĐB và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Cục ĐBVN, đa số địa phương vẫn duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, kiềm chế tái diễn tình trạng xe chở hàng quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các Khu Quản lý đường bộ
Tăng cường kiểm soát tải trọng xe, cấp Giấy phép lưu hành xe
Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, cấp Giấy phép lưu hành xe, Cục đã chỉ đạo, đôn đốc các Khu Quản lý đường bộ, các Sở GTVT triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu lên những khó khăn, vướng mắc, hạn chế hiện nay đó là xuất phát từ tình hình thực tế và qua thời gian triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, cấp Giấy phép lưu hành xe đã gặp một số vấn đề, ý kiến xoay quanh việc cấp Giấy phép xe lưu hành xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng.
Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thì một số hiện tượng “trá hình” trong việc cấp Giấy phép lưu hành xe, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như gây áp lực cho cơ quan cấp Giấy phép xe lưu hành xe.
Lý giải về nguyên nhân này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một số cơ quan được cấp phép như các Khu Quản lý đường bộ, các Sở GTVT có tâm lý ngại, quá thận trọng trong việc này, nên gây ra một số khó khăn cho các doanh nghiệp, nên cần phải có giải pháp vừa thông thoát, vừa đúng quy định của pháp luật, nhưng không gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Công tác cấp Giấy phép lưu hành xe và công tác kiểm soát tải trọng xe là vấn đề nhạy cảm và là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Cục Đường bộ Việt Nam. Chính vì vậy, trong công tác quản lý điều hành hàng ngày cần phải thường xuyên nắm bắt thông tin để có điều chỉnh, giải pháp cho phù hợp, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đảm bảo ATGT, thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị, một số Sở GTVT trong quá trình cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng còn chưa đúng quy định, trong thời gian tới các Khu Quản lý đường bộ, các Sở GTVT phải thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông,
Cục trưởng giao Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu để Cục ban hành văn bản gửi các Sở GTVT, các Khu Quản lý đường bộ rà soát lại hiện tượng cấp Giấy phép lưu hành xe không đúng quy định để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Cục trưởng giao Phòng Pháp chế, Thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thành lập Đoàn Thanh tra, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị thực hiện không đúng quy định về cấp Giấy phép lưu hành xe.
Nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải để giảm áp lực cho đường bộ
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chúng ta có 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không), trong đó đường bộ là phương thức vận tải linh hoạt, thân thiện nhất, để có hiệu quả thì cần phải kết nối cả 5 phương thức vận tải này để đảm bảo vấn đề xe siêu trường, siêu trọng, đỡ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
“Cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT về việc cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; đồng thời kiến nghị Bộ có giải pháp tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải để giảm áp lực cho đường bộ, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, giảm nguy cơ tai nạn giao thông” - Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị.
Cục trưởng cũng đề nghị cần đẩy nhanh tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. Khuyến cáo đối với quãng đường từ 300km trở lên, nên kết nối đi đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. Chúng ta có hệ thống đường sắt nhưng sử dụng để giảm tải cho đường bộ chưa hiệu quả, nhất là tuyến chuyên chở hàng hóa. Các tuyến vận tải đường bộ bằng xe container, xe vận chuyển hàng hóa trọng tải lớn còn nhiều, là nguyên nhân khiến chất lượng hệ thống đường bộ giảm chất lượng.
Xuân Nguyên