Một trong những điểm minh chứng cho sự tăng trưởng của cảng biển Hải Phòng là trọng tải của tàu đến khu vực ngày càng lớn.
Trong 3 cảng biển của Việt Nam được Tạp chí hàng hải Vương quốc Anh Lloyd’ List xếp trong top 100 cảng biển năm 2022 có sản lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, cảng biển Hải Phòng được đánh giá có những bước tăng trưởng ấn tượng bậc nhất.
Ngồi nhà “ra lệnh” nâng, hạ, dỡ hàng
Cảng biển Hải Phòng có nhiều thuận lợi để tăng trưởng
Những ngày đầu tháng 12, tàu bè, hàng hoá ngập cảng nhưng hoạt động tại cảng Nam Đình Vũ lại khá êm ả.
Theo lãnh đạo cảng này, cảng đã triển khai sử dụng ứng dụng cảng thông minh SmartPort.
Doanh nghiệp có tàu, có hàng làm tại cảng không cần ra tận nơi mà chỉ cần ngồi nhà “ra lệnh” trực tuyến cho các hoạt động giao nhận, nâng hạ, đóng rút, dịch vụ tại cảng.
Các doanh nghiệp này cũng có thể sử dụng chứng từ điện tử, tra cứu dữ liệu đa cảng và tiến hành các tác nghiệp tài chính, thanh toán trực tuyến… Doanh nghiệp không cần phải đến tận cảng nên cũng giảm ách tắc tại các khu vực thủ tục.
Ông Trần Viết Mạnh, Phó giám đốc CTCP Cảng Nam Đình Vũ cho biết, việc ứng dụng công nghệ số giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí logistics. Đây cũng là bước để doanh nghiệp hướng tới mô hình cảng xanh, cảng thông minh.
Cũng hướng tới mô hình cảng thông minh là Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) tại Lạch Huyện. Theo tìm hiểu của PV, TC-HITC được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin như hệ thống quản lý, điều hành khai thác cảng TopX - Expert, TOPOVN, dịch vụ cảng điện tử (e-Port), giao hàng điện tử (eDO). Đây đều là những phần mềm quản lý, khai thác cảng hiện đại bậc nhất hiện nay.
Đại diện cảng TC-HICT khẳng định thời gian tới, cảng sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị xếp dỡ, công nghệ thông tin hiện đại mới để tăng năng suất và năng lực khai thác.
Kết nối thẳng tới các cảng lớn của thế giới
Ngoài việc các cảng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao năng lực khai thác, một trong những yếu tố để cảng biển Hải Phòng có sự tăng trưởng là việc thiết lập và đón nhận nhiều tuyến dịch vụ kết nối thẳng tới các cảng biển lớn trên thế giới.
Theo bảng xếp hạng của Tạp chí Lloyd’s List, trong số 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, có 3 cảng biển của Việt Nam gồm Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép. Trong đó, cảng biển Hải Phòng xếp vị trí thứ 28.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thông tin, thời gian qua, các doanh nghiệp cảng biển đã phối hợp với các hãng tàu liên tục mở các tuyến vận tải mới.
Trong đó, cảng container quốc tế TC-HICT đã có tuyến dịch vụ với tàu Talassa (hãng tàu Wan Hai khai thác) và tuyến dịch vụ TPX của hãng tàu Maersk kết nối trực tiếp Hải Phòng tới bờ Tây nước Mỹ, hay tuyến dịch vụ mới Santana của hãng tàu MSC kết nối trực tiếp với bờ Đông nước Mỹ, cũng như cảng tiếp nhận thêm nhiều tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và nội Á.
Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn CMA-CGM, dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ bắt đầu đưa một loạt tàu có trọng tải lớn khai thác trên tuyến vận tải Hải Phòng - Châu Mỹ.
Ngoài ra, cũng có những tuyến dịch vụ xuất phát từ cảng Hải Phòng như tuyến GKC kết nối Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ tại chi nhánh cảng Tân Vũ, tuyến SHX từ chi nhánh cảng Tân Vũ được khai thác chung giữa hai hãng tàu lớn của thế giới là Cosco và CU Lines. Các cảng khác như: Nam Đình Vũ, cảng Xanh VIP, Nam Hải Đình Vũ… cũng liên tục mở tuyến mới.
Khơi luồng đón tàu lớn
Để cảng biển có thể thuận lợi đón tàu có trọng tải lớn,
cần khắc phục những yếu tố về luồng và nạo vét
Một trong những điểm minh chứng cho sự tăng trưởng của cảng biển Hải Phòng là trọng tải của tàu đến khu vực ngày càng lớn.
Hiện tại, khu vực cảng TC-HICT có thể đón tàu có trọng tải đến 145.000 DWT giảm tải, khu vực Đình Vũ có thể đón tàu đến 48.000 DWT.
Ngày 31/10 vừa qua, bến cảng TC-HICT đã tiếp nhận tàu Wan Hai A07 có trọng tải kỷ lục tới cảng là 144.571,9 DWT (13.000 Teus).
“Việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn đến cảng giúp nâng cao sản lượng hàng hóa, rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi châu Mỹ, châu Âu và ngược lại, giảm chi phí logistics”, ông Vũ nói và cho biết thêm, để tiếp nhận được những tàu có trọng tải lớn vào cảng, Cục Hàng hải VN đã tổ chức lấy ý kiến và phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải, đưa ra những tiêu chí nhằm tăng cường công tác an toàn cho tàu khi hành hải trên luồng, cập, rời cầu và làm hàng tại cầu cảng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cũng cho rằng, để đón được nhiều tàu trọng tải lớn vào cảng an toàn, cần duy trì độ sâu luồng hảng hải Lạch Huyện theo chuẩn tắc thiết kế -14m (hiện mới nạo vét đến -12,3m), luồng kênh Hà Nam, Bạch Đằng theo chuẩn tắc thiết kế -7m.
Cùng đó, duy trì độ sâu khu nước trước bến cảng TC-HICT theo chuẩn tắc thiết kế -16m (hiện độ sâu trước bến đạt -13,4m) song song với việc mở rộng kênh Hà Nam và luồng hàng hải Lạch Huyện để các tàu lớn có thể hành trình 2 chiều.
Nhu cầu mở rộng, khơi thông luồng là có thật, song Hải Phòng lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng vị trí đổ chất nạo vét cho các công trình xây dựng cảng biển, hoạt động nạo vét, duy tu luồng, thủy diện cầu cảng, bến cảng. Việc thực hiện các thủ tục cấp phép về môi trường gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
“Hiện các doanh nghiệp muốn xin chỗ đổ thải lại cần tìm đơn vị nào đó chấp nhận cho đổ thải. Việc đàm phán, thu xếp kinh phí, xin cấp phép... mất nhiều thời gian và chi phí để thực hiện”, ông Trần Viết Mạnh nói.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân khẳng định đây là trở ngại cần xem xét: “Cảng biển Hải Phòng hiện nay khá cạn, chỉ có khu bến Đình Vũ và Lạch Huyện tương đối sâu, nhưng mức độ chưa đủ. Nạo vét chậm, luồng không đủ sâu thì không cách nào đón tàu lớn”.
Theo thống kê từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 91,7 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với năm 2020, trong đó sản lượng hàng container đạt 5,7 triệu Teus, tăng khoảng 8,9%. 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng đạt 78,7 triệu tấn, tăng khoảng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng container đạt 5,2 triệu Teus, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.