Khơi thông dòng chảy hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ĐBSCL

Thứ tư, 04/01/2023 10:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức thành công lễ đón chuyến tàu Container Tan Cang Foundation vào cụm cảng Cần Thơ.

Việc tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - miền Trung - miền Bắc, mang đến giải pháp logistics trọn gói cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại ĐBSCL.

Những container hàng đầu tiên của chuyến tàu Container Tan Cang Foundation
được xếp dỡ tại Cảng Tân Cảng Cái Cui.

Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty TCSG: Tạo ra giải pháp logistics trọn gói, tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí

Ngày 24/10/2016, ngay sau khi tuyến luồng Quan Chánh Bố được khơi thông, Tổng Công ty TCSG đã tiên phong khai trương tuyến tàu container nội địa đầu tiên triển khai tuyến Hải Phòng - Hồ Chí Minh - Cảng Tân Cảng Cái Cui với tần suất 1 chuyến/tuần. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau với 33 chuyến tàu cập cảng, tuyến khai thác đã phải tạm ngưng do yếu tố độ sâu luồng không đảm bảo. Đến ngày 30-9-2022, Bộ Giao thông vận tải và TP Cần Thơ đã thông báo hoàn tất nạo vét và thông luồng Quan Chánh Bố. Đây là một tiền đề quan trọng để TCSG và VIMC bắt tay hợp tác khởi động lại tuyến tàu container nội địa nhằm tạo ra giải pháp dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí vận chuyển cho các DN trên địa bàn.

Việc hợp tác giữa TCSG và VIMC sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho khách hàng thông qua các giải pháp logistics trọn gói, chuyên nghiệp, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Chúng tôi cam kết tuyến dịch vụ sẽ đi vào ổn định với tần suất 2 chuyến/ tháng và phấn đấu phát triển thành 1 chuyến/tuần. Đồng thời tạo ra giải pháp kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực ĐBSCL đi cụm cảng khu vực Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế nội Á; tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực. Thời gian tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự chung tay của “4 nhà”: Nhà nước - nhà khai thác cảng - nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà xuất nhập khẩu, cùng kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - miền Trung - miền Bắc từ đó phát triển tiếp cận nguồn hàng đi các tiểu vùng sông Mekong mở rộng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại ĐBSCL”.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC: Tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu vận tải xanh ở ĐBSCL

ĐBSCL là nơi chiếm tới 60% lượng hàng thủy sản, 70% sản lượng trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Việc mở tuyến vận tải container với cỡ tàu lớn có ý nghĩa quan trọng góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu ở ĐBSCL; giúp DN sử dụng dịch vụ vận tải hàng hóa với chi phí hợp lý và chủ động hơn trong kế hoạch xuất nhập khẩu. DN khai thác cảng cần cốt luồng được duy trì từ -6m trở lên để tàu trọng tải lớn có thể ra vào thông suốt theo kế hoạch. Bên cạnh đó, cần có những hỗ trợ kịp thời để khách hàng thay đổi thói quen chuyển từ vận tải bộ sang vận tải thủy, tiết giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu vận tải xanh ở ĐBSCL.

Để góp phần duy trì tuyến dịch vụ và hiện thực các mục tiêu đã đề ra cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, địa phương và cơ quan hữu quan trong việc tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương và khu vực lân cận sử dụng dịch vụ tại Cảng Tân Cảng Cái Cui cũng như cụm cảng Cần Thơ, các công tác kiểm hóa, soi chiếu, chiếu xạ… Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam duy trì thường xuyên và mớn nước ổn định cho tàu biển container có trọng tải lớn vào luồng hàng hải chính của khu vực.

Ông Phạm Ngọc Nhàn, Trưởng văn phòng đại diện INTRACO tại Cần Thơ: Linh hoạt kế hoạch sản xuất, đưa hàng hóa trực tiếp đến khách hàng

Trước đây, mỗi tháng DN chuyển khoảng 30-35 container 40 feet từ Cảng Hải Phòng vào Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, sau đó đi bằng sà lan vào cụm cảng Cần Thơ nên mất rất nhiều thời gian và chi phí. Khi có chuyến tàu trực tiếp từ Hải Phòng vào TP Cần Thơ sẽ rút ngắn khoảng cách, hàng hóa vận chuyển nhanh hơn, tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Trước đây, chi phí vận chuyển hằng tháng ước khoảng 2,5-3 tỉ đồng. Nay khi có dịch vụ vận chuyển nội địa trực tiếp bằng đường biển từ Hải Phòng đến TP Cần Thơ giúp DN tiết giảm từ khoảng 15-20% chi phí cho mỗi chuyến hàng, chất lượng hàng hóa cũng đảm bảo an toàn hơn do đi trên đường biển, không phải trung chuyển qua  nhiều công đoạn.

Chuyến tàu container từ Hải Phòng vào TP Cần Thơ khi được tăng chuyến lên hàng tuần, việc sản xuất sẽ linh hoạt, chủ động hơn. Trước đây để đưa hàng đi từ Cảng Hải Phòng vào Cảng Cát Lái, DN phải mất nửa tháng để chuẩn bị hàng hóa, nay chỉ mất khoảng 7 ngày. DN chủ động được việc chuẩn bị nguồn hàng từ nhà máy đến Cảng Hải Phòng trước khi vận chuyển vào cụm cảng Cần Thơ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics duy trì chuyến tàu ổn định để DN yên tâm đưa hàng hóa trực tiếp vào khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là với dịch vụ vận chuyển trọn gói, hàng hóa sẽ đến khách hàng và người tiêu dùng nhanh hơn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Xây dựng mối liên kết bền vững, giúp nhau cùng phát triển

Sự kiện TCSG và VIMC thành công hợp tác mở lại tuyến tàu container nội địa vào cụm Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ thể hiện sự quyết tâm, tiên phong, trách nhiệm của 2 DN lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển. Đồng thời cùng với TP Cần Thơ xây dựng mối liên kết bền vững giúp nhau cùng phát triển. Tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng vào thẳng ĐBSCL đến cụm cảng Cái Cui, mà không phải qua cảng TP Hồ Chí Minh đã tạo ra giải pháp dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển cho các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả vùng ĐBSCL.

Bộ Giao thông vận tải đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng (đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Đặc biệt là dự án xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 sẽ thu hút được phần lớn nguồn hàng hóa xuất khẩu thông qua các cảng biển trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ đó mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho TP Cần Thơ nói riêng, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết hợp tác và nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng. Thành phố sẽ đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam có biện pháp duy trì mớn nước ổn định cho tàu container có trọng tải lớn vào luồng hàng hải sông Hậu. Đẩy nhanh dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An để đảm bảo 2 tuyến luồng hàng hải cho tàu chạy song song, giải phóng được ách tắc của luồng 1 chiều cho các tàu lớn không phải chờ lâu để đi qua.

nhunghv

Nguồn: Báo Cần Thơ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)