Việt Nam đã hình thành được các tuyến vận tải container biển xa đi Mỹ và Châu Âu, Châu Á với hơn 100 tuyến.
Hiện Việt Nam đã hình thành được các tuyến vận tải container biển xa đi Mỹ và Châu Âu, Châu Á, đáp ứng được toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu container trực tiếp mà không phải thông qua nước thứ ba, tiết kiệm được chi phí vận tải và thời gian của khách hàng.
Thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay
vẫn chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Ảnh. CMIT
Cụ thể, theo Cục Hàng hải VN, có 25 tuyến vận tải đi Châu Mỹ, chủ yếu tập trung ở hai cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải.
Đối với tuyến vận tải đi Châu Âu có 3 tuyến, tập trung ở hai cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải.
Theo nền tảng mua bán container toàn cầu Container xChange, chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua đang chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác do chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới việc sản xuất và cung ứng hàng hóa.
Christian Roeloffs, Giám đốc điều hành nền tảng Container xChange nhận định, các công ty vận tải container toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa các tuyến thương mại hàng hóa, từ các tuyến tính tuyến sang đa dạng tuyến. Trong đó, các quốc gia như Malaysia, Việt Nam và Singapore đang nổi lên như những đối thủ nặng ký trong "cuộc chiến" tuyến vận tải thương mại container.
Ngoài ra, có trên 100 tuyến vận tải nội Á, tập trung vào các cụm cảng số 1 (Hải Phòng, Quảng Ninh), số 3 (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quang Nam) và số 4 (TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu).
Theo Cục Hàng hải VN, với khối lượng hiện tại, Việt Nam là một trong 3 nước có sản lượng hàng hóa thông qua và tuyến vận tải lớn nhất trong khu vực (cùng với Malaysia và Singapore).
Có thể nói, so với các nước trong khu vực, Việt Nam là thị trường vận tải lớn với sản lượng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng sản lượng hàng hóa theo tấn thông qua cảng biển Việt Nam vẫn có xu hướng tăng dần theo các năm.
Năm 2022, sản lượng hàng qua cảng biển đạt 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng hóa container thông qua cảng biển Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng, đạt trên 25,1 triệu TEUs tăng 5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn bị đội tàu biển nước ngoài chiếm lĩnh, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu bằng container.
Thị trường vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhậm giảm dần từ 11% năm 2015 xuống 8 % năm 2016 và 2017, 7% năm 2018, xuống 5% năm 2019 và 2020 và đạt 7% năm 2021.
Hiện nay, các hãng tàu container của Việt Nam chủ yếu hoạt động thị trường nội địa.
Tuyến vận tải quốc tế container xa nhất của chủ tàu Việt Nam là đi Malaysia-Ấn độ của Công ty Vận tải biển VMIC, ngoài ra còn một số tuyến đi Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc.