Trên cung đường sắt ở lưng chừng đèo Khe Nét, những người thợ duy tu ngày đêm bám đường, đảm bảo an toàn những chuyến tàu vào Nam ra Bắc...
Những người trẻ trên cung đường đèo
Công nhân Cung đường Khe Nét duy tu đường sắt khu vực đèo, tháng 12/2022
Một ngày cuối năm, trong cái rét thấu da thịt, chúng tôi đến cung đường sắt đèo Khe Nét thuộc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình (địa bàn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Xe men theo QL15 uốn lượn trên đường đèo lên đến cung đường ở lưng chừng.
Khác với hình dung về một cung đường đèo nổi tiếng là điểm “nghẽn” về hạ tầng, khó khăn về điều kiện làm việc, chúng tôi khá bất ngờ với khung cảnh trước mắt.
3 dãy nhà nho nhỏ, tuy đã xây dựng từ lâu nhưng được sơn sửa lại sạch sẽ, khoảng sân rộng được lát bê tông, bên cạnh là mảnh vườn đủ các loại rau xanh mướt và cây ăn trái sum suê.
Cung trưởng Trần Hữu Nam đón chúng tôi với nụ cười tươi rói khoe: “Sáng nay, chi bộ cung đường tổ chức kết nạp đảng viên đối với nhân viên tuần đường Trương Bá Đương, cũng là Bí thư đoàn thanh niên cung đường”.
Anh Đương chia sẻ, anh về cung làm công nhân duy tu năm 2012, khi đó mới 19 tuổi, năm 2015 thì chuyển sang làm nhân viên tuần đường.
Đến nay, thấm thoắt đã 10 năm gắn bó với cung đường, hàng ngày anh đi bộ dọc đường sắt đến hơn 18km, khi leo dốc, khi đổ dốc, “soi” từng cầu ray, cái bu lông, ốc vít để phát hiện, xử lý kịp thời hư hỏng.
Cũng như anh Đương, nhân viên gác chắn Hoàng Thị Phượng đã được Đảng ủy công ty ra quyết định, chỉ chờ ngày làm lễ kết nạp Đảng chính thức.
Chị Phượng là một trong 6 nữ nhân viên tổ gác chắn tự quản đường ngang Km419+677, mật độ chạy tàu hơn 30 chuyến/ngày đêm.
Chị cùng đồng nghiệp đã rất nhiều lần kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đe dọa mất an toàn...
Anh Đương, chị Phượng chỉ là hai điển hình trong nhiều công nhân viên đang tuổi thanh niên cống hiến tại đây.
Một công nhân duy tu cho biết: “Không biết từ bao giờ Cung đường Khe Nét là cung đường Thanh niên, hầu hết anh chị em trẻ vừa ra trường đi làm được điều về. 70% CBCNV ở tập thể, cuối tuần mới về nhà”.
Nhớ một thời gian khó
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng “cơ ngơi” cung đường, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt 1 Phạm Hữu Chí phấn khởi khoe: 3 dãy nhà vừa là chỗ làm việc, vừa là chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt của anh em đã được tu sửa. Bếp thì có tủ lạnh, tủ cấp đông để trữ thức ăn; nhà tắm có bình nóng lạnh, có cả bình lọc nước giếng khoan...
Vừa đi, anh Chí vừa kể: “Năm 1981, sau khi Xí nghiệp Quản lý đường sắt Quảng Bình được thành lập đã lập cung đường sắt Khe Nét.
Vì đoạn đường sắt qua đèo dài, nguy hiểm nên lập cung đường sắt một mình “chơ vơ” ở giữa khu gian Tân Ấp - Kim Lũ, mục tiêu nhằm sửa chữa đường sắt được kịp thời nếu xảy ra sự cố trên đèo. Đơn vị được thành lập giữa rừng núi nên thiếu thốn trăm bề. Năm 2001 trở về trước, muốn đến cung Khe Nét phải đi bộ dọc theo đường sắt leo dốc.
Vì con đường bộ phía trước cung sau chiến tranh bị cày xới, thêm người dân phạt cây nên nhiều đoạn bị vùi lấp. Nếu muốn đi chợ phải xuống ga Kim Lũ, cách khoảng 6km, bằng cách đi tàu chợ dừng lại trên đèo vài phút cho công nhân đi nhờ. Hoặc có người buôn bán nhỏ theo tàu chợ, khi tàu dừng khu vực đèo thì bán cho công nhân.
Cung phó Lê Anh Tuấn nhớ lại, đến năm 2001 mới làm đường bộ thô sơ. Lúc đó, chỉ có 1 chiếc xe đạp của đơn vị để đi chợ những lúc cần nhưng đường mới mở nên rất xấu, đất đá lổn nhổn. Năm 2003, Nhà nước mới làm đường bộ bằng phẳng như bây giờ. Chỗ làm việc, sinh hoạt cũng rất khó khăn. Khi đó nhà cửa lụp xụp, chỉ có 1 dãy nhà cấp 4.
Quân số đông, có lúc lên đến hơn 30 người, toàn thanh niên nên chủ yếu sống tập thể nhưng phòng chật hẹp, ở đến 5 người. Nước giếng đào nhưng không đủ, phải dẫn nước từ khe về. “Anh em đi làm công trình, tuy có máy phát điện nhưng chỉ những lúc cần mới chạy, còn vẫn dùng đèn dầu. Giờ đỡ vất vả nhiều rồi, đời sống, sinh hoạt anh em cải thiện hơn”, anh Tuấn nói.
Xuân ấm, Tết vui
Cung đường đường sắt Khe Nét sạch sẽ, rộng rãi
Bữa liên hoan hôm ấy toàn món “cây nhà lá vườn”: Rau dớn rừng tự hái, quả cọ om, rau cải đắng trong vườn muối xổi, thịt gà “chạy bộ” tự nuôi... nhưng rôm rả vô cùng. Rôm rả vì nhiều lẽ: Chúc mừng chi bộ lớn mạnh thêm vì có đảng viên mới; Đội vừa mang lương đến tận nơi để chi trả anh em, trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng thực lĩnh. Và nhất là năm 2022, đơn vị đã hoàn thành khối lượng được giao theo đúng kế hoạch, 100% sản phẩm nghiệm thu đạt loại tốt, không có sản phẩm kém chất lượng, phải nghiệm thu lần 2.
Cung trưởng Trần Hữu Nam cho biết thêm, đặc điểm hạ tầng, kỹ thuật đường sắt khu vực này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất lớn của anh em. Do đoạn đường dốc, nhiều đường cong, khi tàu qua, bánh đầu máy, toa xe siết vào lưng ray làm cho ray mòn nhanh, tà vẹt dễ bị gãy vỡ, phụ kiện nối giữ ray hỏng. Vì thế anh em phải thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời xử lý ngay các hư hỏng.
“Đến giờ coi như thêm một năm nữa đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối. Từ trước đến giờ đơn vị chưa để xảy ra bất kỳ sự cố mất an toàn nào do chủ quan. Thành ra bữa liên hoan này có thể coi là bữa tất niên “nháp”. Còn bữa tất niên thật thì xôm lắm vì năm nào anh em cũng tự gói bánh chưng, làm các thực phẩm ăn Tết, phục vụ các anh em ở lại trực Tết, lên ban...”, Cung trưởng Nam phấn khởi.
Chia sẻ thêm, anh Nam cho biết, vì là khu vực đèo dốc khó khăn nên đơn vị được các cấp quan tâm. Ngoài công ty, hàng năm, lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn Tổng công ty Đường sắt VN đều đến thăm và hỗ trợ điều kiện làm việc, sinh hoạt. Như Tết Nhâm Dần 2022, Tổng công ty hỗ trợ 45 triệu đồng làm sân bóng chuyền, rồi tổ chức “Tết sum vầy”, giao lưu thể thao, liên hoan và tặng quà Tết cho các đơn vị ga, cung đường khu vực đèo.
“Năm nay, anh em cũng phấn khởi hơn. Từ tháng 7/2022 đến nay, công ty tính hệ số lương cao hơn trước nên thu nhập cải thiện hơn”, Cung trưởng Nam nói.
Rời Cung đường sắt Khe Nét mang theo niềm vui, niềm lạc quan của những CBNV nơi đây, chúng tôi cảm nhận dường như Xuân ấm, Tết vui đang về trên cung đường đèo.
Cung đường sắt Khe Nét quản lý 9,1km từ Km414+400 - Km423+500 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nằm trong đoạn đường đèo Khe Nét có độ dốc lớn nhất 17%, thuộc địa phận xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong tổng chiều dài đơn vị quản lý có 45 dốc lớn nhỏ, 32 đường cong với tổng chiều dài hơn 5km; có nhiều cụm đường cong trái chiều bán kính nhỏ, đoạn nối giữa hai đường cong bị hạn chế, trong đó có 13 đường cong bán kính từ 125 - 200m.