Không chỉ bị sa bồi, độ sâu luồng Cửa Lò hiện nay chưa đủ để cảng biển hoạt động hết công suất.
Tin từ Cục Hàng hải VN, tuyến luồng Cửa Lò đã được nạo vét vào năm 2022 theo chuẩn tắc -7.2m (hệ Hải đồ) đã được công bố. Việc duy tu, nạo vét tuyến luồng cũng tiếp tục được đưa vào kế hoạch dự kiến thực hiện trong 2 năm 2023 – 2024.
Tuyến luồng Cửa Lò sẽ tiếp tục nằm trong kế hoạch nạo vét tới -7.2m,
dự kiến thực hiện trong 2 năm 2023- 2024. Ảnh minh họa
“Trong năm 2023, Cục Hàng hải đang làm việc với địa phương, Bộ TN&MT liên quan tới những thủ tục về môi trường, khu vực đổ vật chất nạo vét, cố gắng để năm 2024 có thể triển khai việc nạo vét tuyến luồng”, Cục Hàng hải VN cho hay. Khối lượng nạo vét tuyến luồng dự kiến 295.000 m3.
Theo thông báo hàng hải của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, hiện nay luồng tàu Cửa Lò vẫn tồn tại dải cạn có độ sâu từ 5.9 m đến 7m, có chiều dài khoảng 110m. Khu vực rộng nhất lấn vào mũi quay tàu khoảng 30m.
Trước đó, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho rằng tuyến luồng Cửa Lò đang bị sa bồi với độ sâu khoảng 6,1m/7,2m, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc nạo vét, duy tu.
Ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, tuyến luồng Cửa Lò dễ xảy ra tình trạng sa bồi sau những đợt mưa lũ, nên việc nạo vét phải thực hiện hàng năm để đảm bảo cho các tàu hành hải và ra, vào cảng biển an toàn, cũng như đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cảng.
Thừa nhận tình trạng sa bồi ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng, song ông Hưng khẳng định điều quan trọng hơn hiện nay là cần tiến hành dự án đầu tư nâng cấp luồng tàu biển vào cảng Cửa Lò (giai đoạn 2).
“Độ sâu luồng hiện chưa thể đáp ứng được năng lực cầu cảng. Bến số 5 Cảng Cửa Lò được thiết kế để có thể tiếp nhận các tàu tổng hợp và container có trọng tải lên tới 30.000 DWT, nhưng với luồng tàu -7.2m hiện nay thì rất khó để thực hiện”, ông Hưng chia sẻ.
Trước đó, giai đoạn 1 của dự án đầu tư nâng cấp luồng tàu biển vào cảng Cửa Lò cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải đã được hoàn thành từ năm 2015.
Theo lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã có chủ trương triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp luồng vào cảng xuống - 8,5 đến - 9 m nhưng đến nay chưa được thực hiện.
Theo Quyết định số 70/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng Cửa Lò được xác định là Cảng loại I và là Cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực, cả nước và liên vùng.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, khu bến Nam Cửa Lò có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An (trực tiếp khu kinh tế Đông Nam Nghệ An) và liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Đông Bắc Vương quốc Thái Lan; có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí, bến cảng khách, du thuyền gắn với du lịch Cửa Lò. Cỡ tàu tiếp nhận có trọng tải đến 30.000 tấn.