Sau giai đoạn suy thoái, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, vận tải biển “đảo chiều” và nguồn nhân lực hàng hải lại thiếu trầm trọng. Các chủ tàu lâm vào cảnh “thừa việc, thiếu người”. Để tránh tình trạng “no dồn, đói góp” nguồn nhân lực ngành hàng hải cần phải quy hoạch và thay đổi gì?
Cần có chiến lược lâu dài để thu hút nhân lực ngành hàng hải
Sau đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế phục hồi, vận tải biển “đảo chiều” và nguồn nhân lực lại thiếu trầm trọng. Các chủ tàu lâm vào cảnh “thừa việc, thiếu người và đây cũng là cơ hội cho ngành vận tải biển bứt phá do dư lượng hàng hóa tồn đọng sau dịch là rất lớn. Các công ty, chủ tàu, trung tâm cung ứng thuyền viên trong nước và quốc tế ngay sau khi giãn cách xã hội ở Việt Nam được nới lỏng đã khẩn trương tuyển dụng thuyền viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng thuyền viên cũng không dễ.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo-Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-VIMC cho hay, hiện đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực này phải đào tạo thời gian dài từ thuyền viên từ 2 năm trở lên mới đi học sỹ quan. Để làm được điều này phải có các chế độ đãi ngộ thật tốt để họ yên tâm bám trụ với nghề. Tuy nhiên, hiện mức lương của thuyền viên đang rất thấp so với các nước trong khu vực và các ngành nghề khác trong xã hội, trong khi nghề đi biển vất vả khiến lao động không mặn mà và không gắn bó lâu dài.
Hiện mức lương các chủ tàu của Việt Nam chào tuyển dụng từ 12 – 15 triệu đồng/tháng đối với thủy thủ và thợ máy; các chức danh cao hơn như sỹ quan vận hành, sỹ quan quản lý dao động từ 30 – 120 triệu đồng/tháng.
Cùng đó, hiện đội tàu của Trung Quốc đang phát triển mạnh, thu hút thuyền viên của Việt Nam, mức lương thấp nhất cho thủy thủ và thợ máy cũng đã lên đến hơn 1.100 USD/tháng; còn các chức danh quản lý khác thì dao động 6.500 – 10.000 USD/tháng (130 – 230 triệu/tháng). Do đó, để giữ thuyền viên phải cải thiện mức lương, đời sống vật chất cho họ và phải có cam kết để họ phát triển lâu dài.
Một vấn đề nữa là chất lượng đào tạo thuyền viên chưa cao, đa số chỉ được đào tạo lý thuyết, phần thực hành trên biển gần như chưa có. Trình độ ngoại ngữ cũng như ý thức tổ chức kỷ luật trên tàu của sinh viên mới ra trường còn rất yếu, phần lớn thuyền viên mới ra trường khi nhận về làm việc phải đào tạo lại.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Thuần – Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, ở trường đại học thì tập trung đào tạo nền tảng, kiến thức, còn phần thực hành, thực nghiệp sẽ phải gắn nhiều hơn khi triển khai các học phần thực tập. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang tăng thời lượng thực tập để tăng thời gian các em đi thực tế trước khi sinh viên tốt nghiệp. Hiện, sinh viên thực tập tốt nghiệp khoảng 3 tháng, một số ngành như điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển thì các em sinh viên ở trên tàu 1 kỳ (5 tháng).
Theo PGS.TS Phạm Văn Thuần, phải có định hướng dài hơi, phải từ kế hoạch trung hạn dài hạn chứ không phải từ kế hoạch ngắn hạn được. Nhưng tuỳ thuộc vào định hướng phát triển của ngành nghề và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Cùng đó, cũng phải đổi mới phương pháp dạy và xây dựng, bổ sung đội ngũ giảng viên đào tạo để thu hút học viên.