Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Thứ sáu, 24/02/2023 21:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 24/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức Tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" với sự tham gia đóng góp ý kiến của lãnh đạo đại diện các Bộ, ban ngành trung ương, các chuyên gia tài chính – kinh tế - hàng không, các doanh nghiệp hàng không,...
Mở cửa du lịch, cải thiện chính sách thị thực, cơ chế giá vé linh hoạt… là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Toạ đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt"
do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức

Hàng không Việt đang dần phục hồi

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng hàng không cũng nhanh chóng đi tắt đón đầu trong hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt đã ghi nhận doanh thu liên tục đạt mức cao kỷ lục thời gian qua.

Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Ông Trịnh Ngọc Thành cho biết theo đánh giá của IATA , khu vực châu Á – Thái Bình Dương
có tốc độ phục hồi hàng không chậm nhất, dự kiến lạc quan phải đến cuối năm 2024

Tuy  nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, những con số đó chưa nói lên điều gì. "Đến tháng 12/2022, bay quốc tế mới bằng 50% thời điểm trước dịch. Thị trường quốc tế chiếm 40% lượng khách nhưng lại đem về 60% doanh thu. Thế nên, nói hàng không phục hồi chưa hẳn đúng", ông Thành nêu ý kiến.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đánh giá của IATA cho thấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi hàng không chậm nhất, dự kiến lạc quan phải đến cuối năm 2024 mới trở về trạng thái trước dịch.

Thách thức và cơ hội

Tuy nhiên, giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều. Đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.

Giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.

Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động, như: phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, VND trong 2023 vẫn còn dư địa giảm giá khoảng 3 – 4% so với USD.

Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý, là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.

Đứng trước ngưỡng cửa hồi phục và phát triển trong giai đoạn mới, bên cạnh sức mạnh nội tại, ngành hàng không Việt Nam đang rất cần những trợ lực mới đến từ cơ chế chính sách để tăng trưởng hết tiềm năng.

Bên cạnh đó, theo GS, TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao Việt Nam mở cửa không chậm hơn các nước, nhưng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Trong khi các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore lại vượt kế hoạch đón khách quốc tế. Phải chăng do vấn đề thị thực?"

Cho rằng, hàng không và du lịch luôn được ví như hai cánh của chiếc máy bay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng, về thuế, phí. Những chính sách đã có thì cần thúc đẩy hơn nữa. Đồng thời có chính sách thúc đẩy du lịch, hấp dẫn khách quốc tế.

Giám sát chặt, chống độc quyền, thao túng giá

Liên quan đến khung giá vé máy bay, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng nên có một ủy ban độc lập quản lý hàng không. Trong uỷ ban này có các thành viên độc lập chịu trách nhiệm về pháp lý. Trên cơ sở đó các hãng có đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường thế giới, để phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu bay, biến động của tỷ giá", ông Lê Đăng Doanh nói và dẫn ví dụ về cơ chế giá xăng dầu giữa liên Bộ Tài chính và Công thương.

“Cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét có sự điều chỉnh thích nghi để cơ chế quản lý giá bám sát với thị trường, phản ánh diễn biến của thị trường, là công cụ cạnh tranh của các hãng bay. Với nỗ lực của Nhà nước, thay đổi cơ chế điều chỉnh giá, tới đây kỳ vọng tình hình thị trường hàng không có cải thiện và tiến bộ mới,” ông Doanh nói thêm.

Ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết giá dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường. Giá hàng hóa thông thường được niêm yết giá và mặc cả được. Trong khi đó, với vé máy bay, chỉ đến khi mua mới biết giá bao nhiêu.

Hơn nữa, cơ cấu giá vé máy bay rất phức tạp, phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…

“Rất ít nước trên thế giới áp giá sàn, giá trần vé máy bay. Sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá, tạo biên độ dao động lớn, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài bền vững” ông Trần Thọ Đạt nói.

Ủng hộ bỏ khung giá trần để tạo sân chơi theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay, tuy nhiên ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng lưu ý, Nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết chống độc quyền, thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Theo ông Lương Hoài Nam, các nước trên thế giới Nhà nước chỉ quản lý dịch vụ độc quyền và chứ không quản lý các dịch vụ cạnh tranh đồng thời kiến nghị Nhà nước bỏ giá trần, không có giá sàn, chuyên gia kinh tế, các hãng hàng không đừng “dại dột ngồi với nhau” về thỏa thuận giá vì như thế sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. "Trên thế giới đã có trường hợp các hãng hàng không bắt tay thoả thuận giá và bị phạt tới 200 triệu USD. Nặng hơn thậm chí có thể đi tù", ông Nam cảnh báo.

Đề xuất bỏ quy định nới trần, thậm chí bỏ trần giá vé máy bay

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin: Hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không dân dụng, có giá trần và giá sàn.

“Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông được ban hành từ năm 2015. Từ đó đến nay, các yếu tố đầu vào cấu thành giá vé đã thay đổi rất nhiều nhưng khung giá vẫn không thay đổi”, ông Trịnh Ngọc Thành cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Quân kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét điều chỉnh giá
trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.

“Nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác, việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng,” ông Quân nhấn mạnh.

Cũng như vậy, chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho rằng thế giới hiện không còn quy định giá trần. Cần sớm sửa Luật, Nghị định, bỏ quy định trần giá vé, để thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)