Dự án cải tạo, nâng cấp luồng Nam Nghi Sơn đang gặp nhiều khó khăn vì khu vực biển bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió mùa.
Tin từ Ban Quản lý dự án hàng hải, dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa được Bộ GTVT phê duyệt đã chính thức khởi công vào đầu tháng 3 vừa qua.
Tới nay, dự án đang triển khai gói thầu NS-XL01 thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ. Tuy nhiên, tại khu vực hiện nay bị ảnh hưởng của thời tiết, gió mùa, sóng lớn nên công tác thi công gặp nhiều khó khăn.
Khu vực biển Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi thời tiết
nên các phương tiện đang tạm dừng thi công
Ngày 4/4, tại khu vực cảng biển Nam Nghi Sơn, thời tiết có nắng nhưng gió to và sóng khá lớn. Các phương tiện thực hiện nạo vét đều phải tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn và neo đậu tại khu vực ven bờ .
Tuy vậy, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện nhà thầu Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung cho biết, công tác nạo vét luồng hàng hải phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thời tiết. Các phương tiện chỉ được tiến hành thi công khi thời tiết thuận lợi và được Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa cấp phép cho hoạt động.
Hiện nay, doanh nghiệp đã huy động các thiết bị, máy móc từ sà lan chở bùn, tàu hút bụng, tàu kéo... để nạo vét luồng. Vị trí nhận chìm vật chất nạo vét được cấp phép nằm ở phía Nam đảo Hòn Mê. Gói thầu có thời gian 15 tháng và tổng khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 2,6 triệu m3.
"Để đảm bảo tiến độ, các phương tiện và thiết bị luôn túc trực, sẵn sàng thi công 24/24 ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi", đại diện này nói và khẳng định dù điều kiện thời tiết bất lợi, song đến nay dự án đã thực hiện được 1 tháng và khối lượng nạo vét hiện đạt khoảng 230.000 m3, vẫn cơ bản đáp ứng tiến độ.
Tàu cá, sà lan thi công nạo vét neo đậu tại khu vực vũng quay tàu
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa có chiều dài tuyến luồng hơn 5.300 m.
Dự án có điểm đầu từ phao số 0, điểm cuối là vũng quay tàu dùng chung (khu vực ngã 3 trước Khu bến tổng hợp số 1 và số 2 với tuyến luồng vào khu bến nhiệt điện). Cỡ tàu thiết kế là tàu tổng hợp, container, hàng rời trọng tải đến 50.000 DWT hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải).
Khối lượng nạo vét tại dự án vào khoảng 2,6 triệu m3 với tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Dự kiến, kế hoạch vốn sẽ bố trí theo tiến độ thực hiện dự án. Trong đó năm 2022, bố trí khoảng 130 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 350 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 125 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 40 tỷ đồng và khoảng 90,2 tỷ đồng cho chi phí dự phòng