Trước tình hình thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp vận tải biển giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2023.
E dè đặt mục tiêu lợi nhuận
Mặc dù thị trường tàu dầu đang có diễn biến khá tốt, song tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa diễn ra, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí VN (PVTrans) vẫn lên một kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với doanh thu 6.800 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch dự kiến 538 tỷ đồng, bằng 46,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Dù thị trường tàu dầu đang làm ăn tốt, song nhiều doanh nghiệp vẫn dè chừng
khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023. Ảnh minh họa
Không riêng PVTrans, nhiều doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh tàu dầu cũng công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Cụ thể, Công ty CP Vận tải xăng dầu (Vipco) cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuân trước thuế năm 2023 là 98 tỷ đồng, giảm 68,26% so với năm trước.
Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) dự kiến đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 160 tỷ đồng, dù doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 216,1 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác tàu container. Theo đó, "anh cả đỏ" vận tải biển Việt Nam - Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng tỏ ra khá dè dặt khi đặt mục tiêu kinh doanh của năm 2023 có lợi nhuận trước thuế đạt 197,7 tỷ đồng, chỉ bằng 32,64% so với năm 2022 (605,6 tỷ đồng).
Công ty CP hàng hải Đông Đô có lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 52,8 tỷ đồng. Nhưng năm 2023, doanh nghiệp này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 34,8 tỷ đồng, bằng 60% thực hiện năm 2022.
Khó khăn mọi "mặt trận"
Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp được đặt ra trong bối cảnh phân tích những thời cơ và thách thức của thị trường, với những khó khăn trên mọi phân khúc thị trường.
Lãnh đạo PVTrans nhận định: Lạm phát có xu hướng giảm, nhưng vẫn là mối lo đáng kể trong năm 2023 khi sự tăng trưởng trở lại của nhiều nền kinh tế lớn sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, có thể tiếp tục gây áp lực lên lạm phát.
Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine đang tiếp diễn và chưa có hồi kết cùng vấn đề nợ công và các bất ổn khác vẫn có nguy cơ cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp đều dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2023.
Với thị trường xăng dầu, Chính phủ đã có những chỉ đạo thay đổi trong quản lý và điều hành nhằm bảo đảm bình ổn thị trường cung ứng, minh bạch và lành mạnh. Bộ Công thương dự kiến tổng nguồn xăng dầu năm 2023 có thể tăng từ 10% - 15% so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù tình hình thị trường cước vận tải dầu trong giai đoạn từ 2023 - 2025 có thể phần nào “dễ thở” hơn nhưng vẫn khó có sự tăng trưởng đột biến. Diễn biến chính trị tại một số khu vực điểm nóng có thể tạo ra những thay đổi lớn đến khâu vận chuyển, khó có thể biết trước được.
Thị trường tàu dầu sản phẩm cũng được dự báo không khá khẩm hơn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kế hoạch cắt giảm mạnh nguồn cung dầu cho thị trường của Khối OPEC+ đã làm lệch quỹ đạo tăng trưởng của nguồn cung dầu, với mức giá cao hơn làm trầm trọng thêm sự biến động của thị trường và gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng.
Trong khi, thị trường tàu hàng khô đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực cho các chủ tàu trong năm 2023. Giữa tháng 2/2023, chỉ số thuê tàu hàng không Baltic (BDI) đã giảm xuống dưới mức 600 điểm, thấp nhất kể từ năm 2020 trở lại đây.
Hiện nay, nhu cầu nhập các nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp nặng như than, khoáng sản, quặng đã sụt giảm mạnh do sự sụt giảm về nhu cầu sản phẩm đầu ra. Dự báo tình hình suy thoái kinh tế của thế giới những năm tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp và kéo thị trường vận tải quay lại thời kỳ khó khăn.
Theo phân tích của Vosco, với áp lực lạm phát và lãi suất tăng, giá dầu cao hơn có thể chứng minh điểm đến hạn cho một nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái.
Trong nước, thị trường tàu container nội địa được dự báo sẽ có nhiều biến động lớn khi thời gian tới, nhiều tàu container đã hết hạn hợp đồng định hạn ở nước ngoài có thể sẽ được chủ tàu rút về chạy nội địa. Điều này dẫn đến việc nguồn cung tàu tiếp tục tăng so với nhu cầu vận chuyển.