Lợi nhuận của khối cảng biển có sự sụt giảm trong quý I/2023 và dự báo còn tiếp tục có nhiều khó khăn.
Sản lượng hàng giảm, lợi nhuận tăng trưởng âm
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong quý I/2023, sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng 165.276 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đều có xu hướng giảm (hàng xuất khẩu đạt 42.555, giảm 4% và hàng nhập khẩu đạt 48.868, giảm 9%).
Trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp cảng biển công bố mức lợi nhuận
giảm sút mạnh - Ảnh minh họa
Hàng container cũng giảm khi chỉ đạt 52.857, giảm 9%. Hàng container tính theo Teu đạt 5.177 Teu, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Sự sụt giảm mạnh về sản lượng hàng hóa qua cảng là một trong những nguyên nhân khiến trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã báo mức tăng trưởng âm của lợi nhuận.
Cụ thể, Công ty CP Cảng xanh VIP công bố kết quả kinh doanh nhiều biến động. Quý I, doanh nghiệp báo lãi sau thuế ở mức 47,8 tỷ đồng, giảm 27,9% so với cùng kỳ. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DN này giảm lần lượt 13% và 33% xuống 713 tỷ và 312 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp cảng biển lớn khu vực phía Bắc, Cảng Hải Phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của biến động thị trường. Quý I/2023, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 98,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 78,3 tỷ đồng, giảm 1,5 lần so với cùng kỳ.
Công ty CP Cảng Cam Ranh có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 3,6 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế Quý I/2023 của doanh nghiệp đạt 2,92 tỷ đồng, giảm 44,35%.
Tại TP.HCM, Công ty CP Cảng Cát Lái cũng công bố lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức 31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 24,7 tỷ đồng.
Sở hữu nhiều cảng biển trên cả nước, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Công ty CP Gemadept cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 254,8 tỷ đồng, giảm khoảng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 202 tỷ, giảm hơn 71 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo nhiều khó khăn
Theo lãnh đạo Công ty Cảng Xanh VIP, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 1/2023 của doanh nghiệp này giảm mạnh do lạm phát thế giới đạt đỉnh, ảnh hưởng nhiều đến giá cả khiến các chi phí vận hành cảng tăng vọt.
Thêm vào đó, cảng này cũng đầu tư mua sắm thêm tài sản và tiến hành sửa chữa lớn nên gánh thêm nhiều chi phí khấu hao, trong khi sản lượng hàng chưa thể tăng ngay do suy thoái kinh tế và cạnh tranh mạnh trong khu vực dẫn đến giảm lợi nhuận sau thuế.
Chi phí vận hành cảng tăng vọt là một trong những lý do chung của nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm. Như lý giải của Gemadept, nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận của doanh nghiệp này là do lợi nhuận từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 58 tỷ đồng. Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của doanh nghiệp này cũng giảm hơn 104 tỷ đồng, trong khi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 25 tỷ đồng.
Trong khi đó, suy thoái kinh tế là bối cảnh được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới sự phục hồi của khối cảng biển trong thời gian tới.
Dự báo của SSI Research, trong bối cảnh hiện nay, các công ty cảng biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu. Tuy nhiên, các yếu tố tác động chính tới ngành cảng biển vẫn cần theo dõi, bao gồm sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng từ các nước nhập khẩu, chiến tranh Nga - Ukraine và việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tổng công ty hàng hải VN (VIMC) cho rằng, hệ thống cảng biển của Việt Nam nói chung và của VIMC nói riêng sẽ gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm. Thị trường sắt thép, dăm gỗ, viên gỗ nén, thức ăn gia súc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn sau một năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).
Cùng đó, lạm phát cao dẫn đến giá cả hàng hóa leo thang, sức tiêu dùng giảm mạnh tại các nước, số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa. Xuất khẩu đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022. Các dự án điện gió tại Việt Nam vẫn đang tạm dừng chờ chính sách mới của Chính phủ.