Tại Việt Nam, hàng hóa có xu hướng dịch chuyển từ cảng biển TP.HCM ra cảng nước sâu khu vực Bà Rịa -Vũng Tàu giúp tiết kiệm chi phí logistics.
Cỡ tàu ngày càng lớn
Theo Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển VN Hồ Kim Lân, hàng hóa dịch chuyển từ các biển khu vực TP.HCM tới các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải là xu thế tất yếu của ngành hàng hải. Hiện nay, các hãng tàu trên thế giới có xu hướng gia tăng kích cỡ tàu nhằm tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí logistics quốc tế.
Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch để đón những tàu container
trọng tải 80.000 - 250.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Ảnh minh họa
“Muốn giảm giá thành vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa, phải sử dụng tàu lớn. Do đó, các cảng nước sâu đáp ứng được cho các tàu lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng xu thế này, các cảng biển tại khu vực Cái Mép Thị Vải thời gian tới cần tính toán về lượng hàng hóa tới ra sao, cũng cần tăng thêm năng lực xếp dỡ hàng hóa, đảm bảo lúc nào cũng dư năng lực cho tàu và hàng hóa đến cảng”, ông Lân chia sẻ.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, tỷ trọng hàng hóa qua của cảng biển TP.HCM giảm từ 61,8% (năm 2015) xuống còn 55,1% (năm 2022), riêng hàng container giảm từ 76,3% (năm 2015) xuống còn 46,7% (năm 2022).
Trong khi đó, tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng từ 31,7% (năm 2015) lên 36,6% (năm 2022), riêng container tăng từ 19,3% (năm 2015) lên 48,2% (năm 2022).
Theo Cục Hàng hải VN, trong những năm trở lại đây, đội tàu chở hàng thế giới đã tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt từ 2,71% - 4,13% về trọng tải và từ 1,3 - 2,78 % về số lượng.
Kích thước tàu cũng tăng khá nhanh để tối ưu hóa chi phí khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tàu container với thế hệ các siêu tàu cỡ 23.000 - 24.000 Teus ra đời.
Theo nghiên cứu của Tạp chí hàng hải Alphaliner, tàu container 18.000 - 24.000 Teus tăng rõ rệt.
Thống kê đến tháng 5/2020, số tàu có kích cỡ này đã có 117 tàu, lượng hàng đảm nhận là 2,36 triệu Teus, chiếm 10% tổng lượng container của thế giới. Cỡ tàu lớn nhất chủ yếu nằm ở phân khúc tàu trẻ, có đội tuổi từ 0 - 4 tuổi.
Tối ưu hóa thời gian, chi phí
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xu hướng dịch chuyển hàng hóa này còn phụ thuộc vào thị trường. Tiêu biểu như tại Hải Phòng, xu hướng chuyển dịch hàng hóa từ các cảng khu vực Đình Vũ hay sông Cấm ra cảng nước sâu Lạch Huyện ra sao còn phụ thuộc các yếu tố về thị trường hàng hóa vận chuyển.
Với hàng hóa đi các tuyến xa như Châu Mỹ cần phải dùng tàu mẹ. Tàu sẽ ra vào cảng Lạch Huyện (2 tuyến/tuần). Với các tuyến gần như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... chỉ cần sử dụng các tàu kích cỡ vừa phải, có thể vào các cảng khu vực sông Cấm.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được 25 tuyến tàu đi tới các tuyến xa như Châu Mỹ, Châu Âu. Trong đó, riêng cảng biển Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 16 tuyến/tuần đi Châu Mỹ, 2 tuyến/tuần đi Châu Âu. Các con số này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Từ các cảng khu vực TP.HCM có các tuyến đi gần hơn đi Châu Á, Châu Phi, Châu Úc...
Một doanh nghiệp cho biết trước đây, hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi Châu Mỹ thường phải qua một số cảng trung chuyển như Singapore hay Malaysia. Điều này làm tốn thêm thời gian và chi phí cho các chủ hàng. Nhưng với xu hướng tăng kích cỡ tàu và đón được các tàu mẹ, thời gian di chuyển được tối ưu hóa nhiều hơn khi hàng hóa không phải trung chuyển qua các cảng biển khác.
Theo đó, hàng hóa từ Cái Mép - Thị Vải tới Châu Âu hiện mất khoảng 25 ngày, đi bờ Tây nước Mỹ khoảng 17-21 ngày và bờ Đông nước Mỹ khoảng 28 ngày.