Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa ban hành Kế hoạch số 6308/KH-BGTVT phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 26-NQ/TW); Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (sau đây gọi là Nghị quyết 168/NQ-CP); Chương trình hành động số 27-CTr/BCSĐ ngày 27/3/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động).
Để thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận (sau đây gọi tắt là các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ) theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh, Bộ GTVT ban hành Kế hoạch Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch Phát triển vận tải vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ), như sau:
Kế hoạch nhằm thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu của Chương trình hành động số 27- CTr/BCSĐ ngày 27/3/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã đề ra; Tiếp tục phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 09 cảng hàng không hiện có trong vùng; đầu tư xây dựng mới cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị. Phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai; bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm.
Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không gồm: Đà Nẵng, Chu Lai và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên; hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở công ten nơ trên đường sắt, đường thuỷ nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ công ten nơ tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các vi phạm luật giao thông.
Bên cạnh đó, thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải trong thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về vận tải đã ký kết, tham gia; nghiên cứu sửa đổi thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết (nếu cần thiết) nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới.
Kế hoạch đề ra các giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; Tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp; Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành; Nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải; Công tác thanh tra, kiểm tra; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và các Sở GTVT trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch này và nhiệm vụ được giao tại các Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành (trước Kế hoạch này và đang triển khai thực hiện) nhằm xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp; đồng thời phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vụ Vận tải đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này từ các cơ quan, đơn vị gửi Bộ GTVT. Trong tổ chức, triển khai thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì chủ động giải quyết, hướng dẫn thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo về Bộ GTVT để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Trên đây là Kế hoạch Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; Chương 8 trình hành động số 27-CTr/BCSĐ ngày 27/3/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện để bảo đảm thực hiện tốt Kế hoạch./.