Số hóa thủ tục hành chính trong hàng hải giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi làm thủ tục cho tàu thuyền ra, vào cảng biển.
Không còn cảnh phải ngược xuôi làm thủ tục với đủ loại giấy tờ, việc số hóa thủ tục hành chính giúp tàu thuyền ra vào thuận tiện, nhanh chóng, doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Các doanh nghiệp hiện nay có thể làm thủ tục cho tàu, thuyền vào,
rời cảng biển trên điện tử, không phải vất vả đi làm thủ tục trực tiếp.
Doanh nghiệp được hưởng lợi
Đã mấy năm nay, ông Nguyễn Thành Cường, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thuê tàu Đà Nẵng và các nhân viên đã không còn phải mất công đi làm các thủ tục hành chính cho khách hàng.
Ông Cường kể, trước đây, người làm thủ tục phải chờ tàu vào cảng mới xuống tàu thu thập hồ sơ rồi lên cảng vụ làm thủ tục trực tiếp. Quãng đường từ cảng tới trụ sở cảng vụ khá xa, có khi cả chục cây số. Chưa kể nếu có giấy tờ chưa hợp lệ và bị trả lại để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cũng gây tốn thời gian, công sức.
Nhưng nay, các thủ tục cấp phép cho tàu thuyền ra, vào cảng đã được thực hiện trực tuyến. Các tàu gửi thông tin trên email để đại lý khai báo trên hệ thống dịch vụ công của cảng vụ. Tàu đến bất cứ lúc nào, thủ tục cũng được giải quyết.
“Mọi thủ tục chỉ khoảng 30 phút là xong. Tàu đến được làm hàng ngay, không phải chờ nữa nên chủ tàu cũng tiết kiệm chi phí neo bến. Hàng hóa cũng liên thông nhanh hơn. Ước tính, các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra giảm được khoảng 50% so với trước”, ông Cường chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, việc làm thủ tục hành chính để các tàu, thuyền ra vào cảng biển hiện nay đã được rút ngắn, chỉ còn khoảng 20-30 phút. Nhờ đó, chỉ tính riêng tiền thuê tàu, mỗi doanh nghiệp vận tải biển cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ giảm thời gian tàu nằm chờ. Doanh nghiệp cũng giảm được các chi phí cầu cảng, cầu bến, đi lại, nhân công.
Ở cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc tại Hải Phòng, từ 2017 đến nay, tất cả thủ tục hành chính với tàu biển vào, rời cảng đều được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Hiện nay, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đang thực hiện giải quyết 6 thủ tục hành chính ở mức độ 4 với tàu thuyền vào, rời cảng bằng phương thức điện tử, gồm tàu biển xuất – nhập cảnh, tàu biển chuyển cảng vào – rời cảng biển, tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào – rời cảng biển. Tính đến tháng 6/2023, cảng vụ đã giải quyết 120.444 hồ sơ thực hiện bằng phương thức điện tử.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng nhớ lại thời điểm chưa thực hiện thủ tục điện tử, sau khi tàu cập cảng hoặc neo đậu, chủ tàu/người làm thủ tục phải lên tàu mang một tập hồ sơ tàu, bằng cấp, chứng chỉ của thuyền viên đến các cơ quan làm thủ tục, cùng các bản khai phải thực hiện khai trên bản giấy. Họ phải làm thành nhiều bộ để gửi mỗi cơ quan một bộ. Tàu phải chờ đến khi các cơ quan thực hiện xong thủ tục mới được làm hàng.
“Vùng nước cảng biển Hải Phòng rộng, trải dài từ hạ lưu chân cầu Kiền và khu vực Phà Rừng ra phía biển. Thời gian để người làm thủ tục lên tàu lấy giấy tờ, đi đến các cơ quan làm thủ tục mất rất nhiều thời gian và công sức, khiến thời gian tàu lưu tại cảng lâu, phát sinh chi phí rất lớn”, ông Vũ nói và cho biết từ khi số hóa, người làm thủ tục chỉ cần ngồi tại nhà hoặc văn phòng khai 1 bộ hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và không phải nộp, xuất trình các giấy tờ địa điểm làm thủ tục.
Hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng ngày càng có sự tăng trưởng,
nhất là sau khi số hóa thủ tục hành chính.
Từ đây, việc giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng đã rút ngắn từ 5-6 giờ xuống còn 15-20 phút. Tàu thuyền có thể thực hiện làm hàng ngay sau khi cập cầu cảng hoặc neo đậu tại các khu neo, giảm thời gian tàu chờ tại cảng.
Còn tại TP.HCM, hàng năm, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cũng giải quyết hơn 20.000 hồ sơ thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều cảng biển trên thế giới tắc nghẽn, song cảng biển tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không bị gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Nói như ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM: “Việc đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần cải cách, công khai, minh bạch việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu”.
Thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa
Theo Cục Hàng hải VN, 11 thủ tục hành chính của Cục về cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đã được thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia từ năm 2018.
Việc nộp, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện hoàn toàn điện tử. Các giấy phép vào, rời cảng biển cũng được cấp điện tử và được chính quyền hàng hải của các nước trên thế giới công nhận.
Đến nay, 97,5% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được giải quyết trực tuyến và ký số điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, có khoảng 100.000 hồ sơ thủ tục hành chính về cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được giải quyết hàng năm.
“Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục điện tử, không gặp mặt trực tiếp, tránh tiếp xúc trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cả xã hội phải cách ly”, đại diện Cục Hàng hải VN chia sẻ.
Đặc biệt, số hóa thủ tục hành chính không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tàu nằm chờ, còn giúp quá trình làm hàng tại cảng biển hiệu quả hơn, cơ sở hạ tầng cảng biển được tận dụng tối đa hơn.
Minh chứng cho điều ấy, những năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng liên tục tăng trưởng, đạt từ 2-8%/năm, từ 82,6 triệu tấn (năm 2018) đã tăng lên 95 triệu tấn (năm 2022).
Trong khi đó, thống kê của Cục Hàng hải VN, sản lượng hàng hóa qua cảng biển giai đoạn 2017-2021 có mức tăng trưởng bình quân 8,4%/năm. Trong đó, riêng hàng container mức tăng trưởng bình quân đạt 11,9%.
Cụ thể, năm 2015, lượng hàng container qua cảng đạt khoảng 126,3 triệu tấn (11,5 triệu Teus). Tới năm 2022, con số này đã đạt hơn 243 triệu tấn (khoảng 25 triệu Teus), tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn gấp 2 lần so với 7 năm về trước.
Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới do Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Vương quốc Anh) công bố, có 3 cảng biển Việt Nam lọt top, bao gồm Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép.
Chuyển đổi số mạnh mẽ, cảng biển lọt top thế giới
Nhờ chuyển đổi số, các cảng biển không còn tình trạng tài xế phải xếp hàng lấy lệnh (Ảnh: VSL).
Tháng 5/2023, cảng biển Việt Nam nhận tin vui khi Ngân hàng Thế giới- World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố chỉ số CPPI (Chỉ số hoạt động cảng container) của 348 cảng biển trên thế giới. Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore, Yokohama (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc).
Phải nói thêm, chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Hai yếu tố khác cũng được tính toán là tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu) và công nghệ thông tin, số hóa.
Có thể nói, bên cạnh việc số hóa các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý giúp giải quyết nhanh gọn thủ tục cho tàu, thuyền lưu thông và làm hàng, công tác số hóa tại cảng biển cũng đóng vai trò tích cực trong nỗ lực chung để đưa ngành hàng hải Việt Nam phát triển, tiệm cận với thế giới.
Thông tin từ Cục Hàng hải VN, các doanh nghiệp cảng biển hiện nay đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, khai thác cảng biển như: Phần mềm điều hành, khai thác cảng biển (TopX, Catos, Vtos, Navis, Ptos…); Phần mềm cảng thông minh; Nền tảng cảng biển số (Smarthub) và nhiều phần mềm quản lý hoạt động của xe container, xà lan ra vào cảng (SmartGate, RiverGate…).
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải và thuê tàu Đà Nẵng cho biết trước đây, để bốc xếp một container tại cảng, các tài xế thường phải xếp hàng, làm lệnh, sau đó mới lấy phiếu để chuyển cho xe cẩu. Điều này vừa kéo dài thời gian làm hàng, tốn chi phí, vừa dễ gây ách tắc đường vào cảng.
“Hiện nay ở nhiều cảng, chỉ cần cài app và cập nhật số lệnh, tài xế sẽ nhận được chỉ dẫn với lệnh đó đi vào line nào, vị trí nào, container đang ở hướng nào một cách thuận tiện và nhanh chóng. Việc thanh toán cũng chỉ cần quẹt thẻ hoặc chuyển khoản đã được xác nhận”, ông Cường khẳng định.
Theo thông tin, nhiều cảng biển lớn của Việt Nam đều là những cảng biển phát ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong hoạt động khai thác cảng, như: Cảng Cát Lái (TP.HCM), cảng container quốc tế Tân Cảng (HICT) tại Hải Phòng, cảng Nam Đình Vũ, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), cảng quốc tế Gemalink (tại Cái Mép – Thị Vải)...
Việc triển khai thành công các ứng dụng công nghệ đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong điều hành sản xuất tại cảng biển, mang lại những bước tiến về năng suất làm hàng, chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa.
Minh chứng cho điều đó là cảng Gemalink, tuy mới đi vào vận hành năm 2021 đã xác lập kỷ lục trong ngành hàng hải khi cán mốc đạt sản lượng 1 triệu Teus chỉ sau một năm hoạt động.
Ngay từ đầu, cảng xây dựng theo hướng cảng xanh, tối ưu hóa vận hành, khai thác bằng việc sử dụng thế hệ cẩu E-RTG 100% điện lưới được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt (ALC) và cabin điều khiển thông minh, cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS.
Nhờ đó, mọi hoạt động quản lý khai thác, phối hợp giữa các bên liên quan của cảng được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác đến từng vị trí container trên bãi.
Nói về thời điểm các cảng chưa áp dụng công nghệ, ông Tạ Minh Vang, Giám đốc điều hành Công ty SLT (đơn vị đang triển khai giải pháp công nghệ nền tảng chuyển đổi số cảng biển) cho hay, khi xuất khẩu một container, doanh nghiệp cần lên hãng tàu đăng ký lấy container rỗng, sau đó về cảng chọn container.
Khi đóng hàng xong, lại lên hãng tàu đặt chỗ tàu, xuống cảng đóng tiền hạ bãi, thực hiện dịch vụ thủ tục hàng xuất, thủ tục vào sổ tàu, thanh lý hải quan.
Với việc sử dụng hệ sinh thái chuyển đổi số cảng biển, nền tảng chuyển đổi số đưa mọi hoạt động của cảng biển diễn ra trên môi trường số, trực tuyến và toàn trình. Một doanh nghiệp cảng sử dụng nền tảng tích hợp đầy đủ các nghiệp vụ quản lý, khai thác cảng, không còn vấn đề sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng như trước.
“Trước đây, trung bình một container thông quan qua 12 điểm chạm, trong 5-7 giờ. Nhưng sau khi chuyển đổi số, một container thông quan qua 2 điểm chạm (1 trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển VSL, 1 tại cổng), trong 2-3 phút. Số điểm chạm và thời gian thông quan được rút ngắn”, ông Vang nói và nhấn mạnh với việc số hóa này, doanh nghiệp cảng tiết kiệm được chi phí nhân sự xử lý chứng từ đến 90-95%.
Đơn cử, Cảng quốc tế container SP-ITC trước đây có 38 nhân sự làm thủ tục, phát hành chứng từ, hóa đơn nhưng khi áp dụng công nghệ, chỉ còn 5 nhân sự.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành GTVT thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cảng biển.
“Việt Nam có 145 cảng biển và cơ bản đều ứng dụng công nghệ thông tin để giao tiếp trong điều hành xếp dỡ hàng hóa tại cảng và làm việc với hãng tàu, liên kết giữa các hãng tàu, giữa các cảng, chủ hàng và thông quan hàng hóa”, ông Tùng nói và cho rằng, đây là điều cần thiết để kéo giảm chi phí logistics.
Theo ông Tùng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển cảng biển, nhưng công nghệ thông tin vẫn là rào cản khi chúng ta chưa hình thành được hệ thống CNTT để kết nối các cảng biển giúp các hãng tàu thuận lợi và tối ưu khi vào, rời cảng.
Do đó, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ TT&TT thúc đẩy để sớm có sản phẩm công nghệ về cảng biển do người Việt làm chủ, nhằm triển khai tại các cảng biển Việt Nam cho phù hợp nhất. Đồng thời, bộ cũng thúc đẩy kết nối các cảng biển với cơ quan quản lý Nhà nước để hàng hóa thông quan tự động, tăng năng lực khai thác của các cảng biển để nâng cao năng lực cảng biển, giải phóng tàu nhanh hơn.
Hiện nay, 53 thủ tục hành chính của Cục Hàng hải VN được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Trong đó, có 42 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cục đã triển khai ứng dụng ký số điện tử với các phần mềm như cấp giấy phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển; Đăng ký tàu biển; Quản lý thuyền viên...
Đồng thời, xây dựng, triển khai các ứng dụng quản lý chuyên ngành như: Phần mềm kiểm tra tàu biển; Hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa tàu thuyền (LRIT); Hệ thống nhận dạng tự động (AIS); 12 Hệ thống điều phối và giám sát giao thông hàng hải (VTS) tại các khu vực cảng biển...
Hiện nay, cơ quan này đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải” để tạo lập cơ sở dữ liệu điện tử về kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN khẳng định, cơ quan này đang nghiên cứu xây dựng các giải pháp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để khai thác hiệu quả cảng biển, cảng cạn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, Cục đã chỉ đạo thực hiện triển khai thí điểm thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển tại khu vực cảng biển do Cảng vụ hàng hải TP.HCM quản lý. Theo đó, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua zalo, email, hạn chế việc gặp mặt trực tiếp.