Tại kỳ họp khóa 14 mới đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ tàu hàng container và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cửa Lò. Việc áp dụng chính sách này vào thực tiễn kỳ vọng sẽ nâng cao tính cạnh tranh và vực dậy sản lượng hàng hóa qua tỉnh Nghệ An.
Theo Nghị quyết, kể từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2025, hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng hoặc vừa dỡ hàng và xếp hàng tại cảng Cửa Lò được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Đối với hãng tàu biển vận chuyển container nội địa (bao gồm trung chuyển qua các cảng quốc tế) được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng hoặc vừa dỡ hàng và xếp hàng tại cảng Cửa Lò (trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng/tháng (mỗi tháng được tính từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng) được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Nghệ An quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu
hoặc nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò
Nghệ An cũng quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Theo đó, đối với container 20 feet được hỗ trợ 600 ngàn đồng/container; container 40 feet được hỗ trợ 1 triệu đồng/container.
Được biết hiện nay, các tỉnh phía Bắc Trung Bộ chưa có bến chuyên dụng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn để đi các tuyến quốc tế. Khu vực này cũng chưa có trung tâm dịch vụ logistics nên chưa hình thành các tuyến cho hàng container.
Do đó, hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container của các tỉnh Bắc Trung Bộ đều phải thông qua cảng Đà Nẵng, Hải Phòng hoặc TP.HCM. Do vậy, việc Nghệ An áp dụng các chính sách hỗ trợ tàu container được kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp vận tải biển mở tuyến vận chuyển container tới các cảng biển nhiều hơn, thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.
‘Cú hích’ thúc đẩy Nghệ An phát triển
Nghị quyết hỗ trợ tàu container là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy
hoạt động thương mại, nâng cao tính cạnh tranh cho các DNXNK qua cảng Cửa Lò
Trong những năm gần đây, cùng với việc thu hút đầu tư hạ tầng cảng biển, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh) đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho loại hình vận chuyển bằng container qua cảng biển để khuyến khích các hãng tàu mở tuyến vận chuyển bằng container, cũng như duy trì hoạt động khai thác trong thời gian đầu, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Năm 2021, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách 200 triệu đồng/chuyến vào, ra cảng đối với hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng; Hỗ trợ 700 ngàn đồng/container (đối với container 20 feet), 1 triệu đồng/container (đối với container 40 feet trở lên) đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.
Tiếp đó từ năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 166/2022/HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700 ngàn đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.
Các Nghị quyết này đã thu hút được hãng tàu CMA- CGM mở tuyến qua cảng Nghi Sơn với tần suất 1 chuyến/tuần. Đến nay, hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện được 91 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, đóng góp vào ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Thanh Hóa chi cho việc hỗ trợ tàu và các doanh nghiệp là hơn 18 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện Hà Tĩnh đang duy trì tần suất 2 chuyến tàu container trong tháng từ khi áp dụng chính sách hỗ trợ tàu container. Qua gần 2 năm mở tuyến tàu container, Hà Tĩnh đang có nhiều nhà đầu tư nhắm tới thị trường tại địa phương này, trong đó có các ngành nghề hỗ trợ cho Formosa, các sản phẩm gỗ, giấy ép… Tần suất chuyến tàu container cũng đang đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại địa phương.
Việc HĐND tỉnh Nghệ An thông qua Nghị quyết mở ra một hướng đi mới được kỳ vọng sẽ nâng cao tính cạnh tranh và vực dậy sản lượng hàng hóa qua tỉnh Nghệ An.
Nghệ An cần thêm những chính sách tốt để tạo ra sự thay đổi về hậu cần,
cơ sở hạ tầng giao thông kết nối
Để phát triển các tuyến tàu container, Nghệ An cần thêm những chính sách tốt để tạo ra sự thay đổi về hậu cần, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối. Đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư sản xuất hàng container. Nếu không có các tuyến tàu container hoạt động thường xuyên, Nghệ An rất khó thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư mở các nhà máy sản xuất các mặt hàng như may mặc, chế biến nông sản, hải sản…
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ – An Lê Tiến Trị khẳng định, Nghị quyết được thông qua nhằm cải thiện hiệu quả hơn môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An qua đó nhằm kích cầu, đẩy nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu. Nghệ An chú trọng xuất nhập khẩu bằng tàu container, thông qua đó tăng thu ngân sách nhà nước. Lâu nay Nghệ An không hình thành được các tuyến vận tải container quốc tế, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container thông qua cảng Cửa Lò.
Tổng Giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh – Bùi Kiều Hưng cho rằng việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết hỗ trợ tàu container là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy hoạt động thương mại và nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò.
“Mong rằng với việc Nghệ An thông qua Nghị quyết này sẽ tạo một ‘cú hích’ lớn để để phát triển kinh tế chung cho địa phương và hệ thống cảng biển trên địa bàn”, ông Bùi Kiều Hưng chia sẻ.