Do chưa có cảng chuyên dụng, hiện hầu hết các tàu biển du lịch quốc tế đều dùng chung cảng với tàu hàng khi tới Việt Nam.
Khách du lịch chung cảng với hàng hóa
Thời gian qua, nhiều tàu biển du lịch quốc tế đến
một số cảng biển Việt Nam vẫn cập cảng tàu hàng. Ảnh: Nhật Thịnh.
Mới đây, trong hành trình 12 ngày vòng quanh châu Á, "siêu tàu" du lịch Spectrum of the Seas đã đưa 4.000 khách quốc tế ghé một số điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang.
Đây là lần thứ hai tàu Spectrum of the Seas chọn Việt Nam là một trong những điểm đến trong hải trình thế giới.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng hành khách thông qua cảng biển đạt 5.146 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hành khách thông qua bằng tàu biển nước ngoài đạt 140 nghìn lượt.
Thị trường tàu khách du lịch rục rịch hồi sinh đặt ra bài toán về phát triển hạ tầng cảng khách chuyên dụng, để thu hút dòng khách hạng sang và thúc đẩy du lịch phát triển.
Hiện nay, hầu hết các tàu biển du lịch quốc tế đều dùng chung cảng với tàu hàng. Đơn cử, tại Vũng Tàu, tàu Spectrum of the Seas phải cập cảng container Tân Cảng - Cái Mép. Còn tại Nha Trang, do tàu lớn không thể vào cảng nên phải neo bên ngoài và hành khách được tăng bo vào bờ bằng tàu nhỏ.
Theo các chuyên gia, việc thiếu cảng chuyên dụng cho tàu khách gây nhiều bất tiện. Đây là loại hình du lịch thường dành cho những tầng lớp có tiền, chịu chi nên tàu du lịch cũng thường sang trọng.
Khi cập cảng tại những cảng hàng tổng hợp, khu vực làm hàng khá nhếch nhác, bụi bặm, dễ để lại ấn tượng không tốt với du khách.
Chưa kể, các cảng biển thường xa thành phố, nhiều xe container qua lại ồn ào, nguy hiểm, không phù hợp để các xe du lịch đưa đón hành khách.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Lux Group - doanh nghiệp chuyên kinh doanh du thuyền 5 sao khẳng định, để thu hút tệp khách sang trọng trên tàu biển, cần cải thiện ngay hệ thống cảng chuyên dụng cho khách quốc tế.
"Tại một số cảng lưỡng dụng hiện nay còn có những cơ chế riêng, khiến xe ô tô đón khách không thể vào trong cảng, buộc khách phải đi bộ mấy trăm mét, gây những trải nghiệm khó chịu", ông Hà chia sẻ và cho biết, nhiều tàu du lịch muốn đưa khách đến Việt Nam nhưng vẫn e ngại. Điều đó khiến lượng khách đến Việt Nam bằng đường biển chỉ chiếm khoảng 2%.
Cần cơ chế đột phá
Hiện nay, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là cảng đón tàu khách quốc tế chuyên dụng duy nhất.
Nhớ lại thời kỳ cảng chưa đưa vào sử dụng, ông Bùi Quang Tuấn, Trưởng phòng Điều hành cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết, khi các tàu du lịch quốc tế tới cảng thường phải neo tại khu vực Hòn Gai.
Muốn vào trải nghiệm các dịch vụ trong bờ, khách phải đi tàu tender, vừa bất tiện về thời tiết, vừa mất thời gian và không đảm bảo an toàn.
Theo ông Tuấn, các tàu khách không mang lại doanh thu cho doanh nghiệp cảng nhiều như các tàu hàng. Tuy nhiên, thị trường tàu khách lại mang tới lợi ích cho cộng đồng.
Nếu di chuyển bằng đường hàng không, mỗi chuyến bay chỉ chở được 200-300 khách thì với đường biển, mỗi chuyến tàu đã có thể đưa tới vài nghìn hành khách từ khắp nơi trên thế giới, cùng hàng nghìn thủy thủ đoàn. Du khách xuống tàu du lịch có thể chi tiêu, mua sắm, thúc đẩy các phân khúc dịch vụ khác.
"Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong du lịch biển, có đường bờ biển dài nhưng hiện nay lại quá ít cảng tàu khách chuyên dụng. Đây là điều thiệt thòi cho du lịch.
Tuy mỗi năm số lượng tàu khách có thể không nhiều như các cảng tàu hàng, nhưng cần ưu tiên cảng chuyên dụng mới có thể thu hút các tàu khách du lịch", ông Tuấn nói và cho rằng, nếu chưa có điều kiện đầu tư cảng chuyên biệt, ít nhất các cảng tổng hợp phải có những phân khu riêng cho bến tàu khách.
Theo Cục Hàng hải VN, các tàu khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu dưới dạng quá cảnh, sau đó tiếp tục hành trình đi nước khác nên thời gian tham quan và lưu trú tại các cảng biển ở Việt Nam còn ngắn.
Các cảng đón khách tàu biển chủ yếu là cảng: Hòn Gai, Hải Phòng, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Côn Đảo, Phú Quốc.
Trong đó cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng đón nhiều tàu nhất và thời gian tàu lưu lại cũng lâu nhất (từ 2-3 ngày), sau đó là cảng Hòn Gai và cảng Hải Phòng (tối đa hai ngày). Các cảng còn lại thời gian lưu lại ngắn, chỉ từ 6-10 tiếng.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, hiện một số bến cảng chuyên dụng cho tàu khách đã được đầu tư. Trong đó cảng tàu khách quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) khi hoàn thành có thể tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000 GT (một trong những cỡ tàu du lịch lớn nhất thế giới hiện nay).
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã định hướng đầu tư cảng chuyên dụng tàu khách tại nhiều khu vực như Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), khu bến Bắc Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa)...
Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp cảng không có nhiều doanh thu từ việc đón tàu khách vào cảng. Bởi doanh thu lớn của các cảng chủ yếu từ nguồn giá bốc dỡ hàng hóa. Do đó, để cảng xếp lịch để các tàu hàng nhường chỗ cho tàu khách vào cảng cũng là bài toán khó.
"Do loại hình kinh doanh cảng tàu khách không mang lại nhiều nguồn thu nên muốn phát triển cảng chuyên dụng, cơ quan quản lý nên có những chính sách, cơ chế riêng để tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư", doanh nghiệp này chia sẻ.