Tìm giải pháp để phát huy tiềm năng và lợi thế của một quốc gia biển, là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối với ngành vận tải biển trong thời gian tới. Hàng loạt giải pháp ngắn hạn và căn cơ đã được đưa ra để thực hiện mục tiêu này.
Để chủ động hơn
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 1.140-1.423 triệu tấn. Tuy nhiên, với hơn 90% hàng hóa xuất container của nước ta ra quốc tế bằng hệ thống tàu nước ngoài, Việt Nam không chỉ đang để mất nguồn lợi nhuận lớn vào tay các hãng vận tải biển quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam bị o ép vì sự thao túng của các hãng tàu ngoại. Do đó, việc phát triển đội tàu quốc gia là hết sức quan trọng.
TS Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – Truyền thông quốc tế (IMRIC), đề nghị cần đầu tư phát triển đội tàu quốc gia nhằm đảm bảo sự chủ động, tính kinh tế và an toàn cho lĩnh vực vận tải hàng hóa. Việc hình thành đội tàu container mạnh còn được coi là biện pháp quan trọng giúp hạ thấp chi phí logistics, tăng sự chủ động cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Việc đầu tư thích đáng để có đội tàu biển đủ mạnh là công cụ để thực hiện tốt các hiệp định thương mại đã ký kết.
Tàu container của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) rời cảng Hải Phòng.
Theo chiến lược phát triển của ngành GTVT, hạ tầng cảng biển sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh trong thời gian tới, nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng cao. Như vậy, nếu không có sự quan tâm thích đáng đối với việc phát triển đội tàu vận tải biển, Việt Nam sẽ lại bỏ lỡ cơ hội lớn trong việc khai thác thế mạnh quốc gia. Dĩ nhiên, việc đầu tư cũng không thể “một bước tới chợ” mà cần thực hiện theo lộ trình.
Các chuyên gia cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp vận tải biển nên chú trọng thay đổi cơ cấu đội tàu cho phù hợp, trong đó cần phát triển đội tàu có chất lượng cao như tàu container có trọng tải lớn, tính chuyên dụng cao, ô nhiễm môi trường thấp để thay thế dần những tàu già nua, nhỏ, chủ yếu chở hàng tổng hợp.
Và nhiều giải pháp đồng bộ
Các chuyên gia dự báo, tình hình khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải biển sẽ còn kéo dài hết năm 2023 và có thể phải đến năm 2025 mới có thể phục hồi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam phải tìm cách trụ vững để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về những giải pháp ngắn hạn, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC kiêm Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu, khuyến cáo, ngoài các tuyến chính có khối lượng hàng lớn và doanh số cao như Bắc Mỹ và châu Âu, các công ty vận tải cần chủ động tìm kiếm, mở rộng các thị trường ở Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Australia và Trung Đông cũng là những thị trường tiềm năng hấp dẫn cho việc mở rộng và phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị VIMC – vốn chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu biển Việt Nam – tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời. Tổng công ty nên tiếp cận với khách hàng lớn, tiềm năng; sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuỗi cho khách hàng là các chủ hàng có khối lượng hàng hóa vận chuyển nội địa và xuất nhập khẩu lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, bộ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh lĩnh vực vận tải biển và phát triển đội tàu. Theo Đề án Phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam được phê duyệt vào cuối năm 2022, hàng loạt giải pháp quan trọng về cơ chế chính sách, tài chính đã được đưa ra.
Theo đó, các chủ tàu được miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải trong thời gian 5 năm khi mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEU trở lên, tàu chạy bằng năng lượng sạch và các tàu chở năng lượng sạch. Các chủ tàu khi thay thế tàu cũ hiện có bằng tàu biển mới có tuổi dưới 15 hoặc có trọng tải lớn hơn hay tính năng chuyên dụng cũng được miễn thuế nhập khẩu.
Các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có sản lượng container xuất nhập khẩu hàng tháng từ 500 TEU trở lên được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm, đồng thời các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam cũng được hưởng chính sách miễn giảm thuế…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc chiếm lĩnh thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu là cấp bách, do đó các cơ quan chức năng cần rà soát những tồn tại, khó khăn để khắc phục, hoàn thiện, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, đề ra những giải pháp cụ thể hơn như liên doanh, liên kết, góp vốn… để sớm có nguồn vốn phát triển được đội tàu đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Việt Nam là quốc gia biển, có các cảng biển ở những vị trí thuận lợi trên các tuyến đường hàng hải quốc tế. Hiện nay, vì nhiều lý do, ta phải sử dụng những hãng tàu nước ngoài. Do đó, cần có những giải pháp để chiếm lĩnh thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây không chỉ là sự phát triển của riêng ngành hàng hải mà là lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nên điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển, sát với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển từng loại cảng biển; ưu tiên đầu tư phát triển cảng nước sâu và luồng lạch khai thác được tàu có sức chở lớn để giảm giá thành vận tải biển tuyến xa kết hợp với trung chuyển quốc tế cự ly gần. Những giải pháp trước mắt và lâu dài đã có, vấn đề còn lại là sự thực thi của cơ quan quản lý nhà nước và sự chủ động của các doanh nghiệp trong ngành vận tải.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng: Việt Nam muốn có đội tàu mạnh, trước hết phải quan hệ “cộng sinh” với các hãng tàu khác trên thế giới. Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể dùng container bình thường để chở gạo, nông sản khô qua thị trường châu Phi và chở hạt điều về nước. Thứ hai, tìm thị trường ngách, thị trường đặc biệt để phát triển, trong đó nên phát triển các tuyến gần, như đến khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Các cảng biển Việt Nam nên tạo khu vực thuận lợi cho tàu Việt Nam neo đậu khi lên xuống hàng hóa. Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cũng có thể mua cổ phần từ các hãng tàu lớn rồi dần dần chi phối cổ phần để đưa hàng hóa Việt Nam lên…
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận định: Để phát triển đội tàu biển Việt Nam, điều đầu tiên là hạ tầng cần chuẩn hóa lại. Nhiều quy định về phát triển tàu biển nên được sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Doanh nghiệp vận tải biển cần sự hỗ trợ thiết thực của tất cả các ngành liên quan để tạo được bước phát triển đồng bộ.