Sáng 17/10, Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 45 khai mạc tại TP.HCM. Theo cơ chế luân phiên của ASEAN, Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ GTVT giao làm Trưởng Nhóm MTWG Việt Nam đăng cai tổ chức Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG) nhiệm kỳ 2022-2023.
Hội nghị lần này có sự tham dự của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN cùng các đối tác đối thoại đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười phát biểu khai mạc Hội nghị
Hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN luôn coi kết nối và hội nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai các biện pháp hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN, góp phần phát huy lợi thế của một khu vực kinh tế năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng.
Để đạt được mục tiêu này, việc tăng cường hợp tác kết nối về giao thông vận tải hết sức cần thiết và quan trọng.
Hàng hải đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười cho biết, với vai trò nước chủ nhà trong nhiệm kỳ 2022-2023 theo cơ chế luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, Việt Nam hy vọng kết quả của 3 phiên Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 42, 43, 44 tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang tại Việt Nam mang lại nhiều giá trị để các quốc gia hướng đến mục tiêu chung của khối.
“ Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về vận tải biển với hơn 3260km đường bờ biển, nằm trong khu vực nơi tuyến hàng hải thế giới sôi động chạy qua. Hàng hải cũng là một trong những lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Cục trưởng Lê Đỗ Mười nói và cho biết thêm hiện nay, cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam tương đối hoàn thiện, gồm 34 cảng biển, 296 bến cảng, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa khoảng 750 triệu tấn/năm. Trong đó, khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt 724 triệu tấn, hàng container đạt 24,7 triệu Teus.
Với chính sách mở cửa, Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó kinh tế hàng hải ngày càng tăng trưởng, mở rộng. Đồng thời việc gia nhập, ký kết các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên toàn thế giới đã thúc đẩy giao thương làm không ngừng gia tăng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam.
Cộng đồng ASEAN cần đoàn kết, tìm giải pháp phát triển hàng hải
Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 45
xoay quanh chủ đề về phục hồi và phát triển bền vững.
“Song song với những cơ hội, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt khi lĩnh vực Hàng hải đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính. Khó khăn thách thức còn được thể hiện ở góc độ quản lý nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân liên quan đến việc có được nguồn tài chính cần thiết để tạo điều kiện quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tiếp đến là các công nghệ hàng hải mới vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Các chính sách và khuôn khổ pháp lý mới cũng cần được phát triển để thu hút đầu tư cho các công nghệ hàng hải xanh”, Cục trưởng Lê Đỗ Mười nhận định.
Cục trưởng Lê Đỗ Mười cho rằng đây không chỉ là thách thức của Việt Nam mà còn là thách thức của các nước trong cộng đồng ASEAN nói chung, và mong muốn tại phiên họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của Việt Nam lần này, các quốc gia sẽ tiếp tục tìm ra các giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải hàng hải chất lượng cao.
Đó là các giải pháp về phát triển công nghệ để ứng dụng và chuyển giao sang công nghệ xanh; ứng dụng năng lượng xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành hàng hải nhằm cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Những điều này nhằm hướng đến tương lai công nghệ mới cho vận tải biển xanh, thân thiện với môi trường hơn theo chủ đề Ngày Hàng hải thế giới năm 2023 "Marpol tuổi 50 – Sự cam kết không ngừng" của Tổ chức hàng hải quốc tế, tiếp tục thực hiện xu hướng "công nghệ xanh" của ngành vận tải biển. Đồng thời, để cộng đồng ASEAN đoàn kết, tiếp tục phát triển thịnh vượng trong giai đoạn mới đầy biến động.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng bày tỏ mong muốn hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hướng tới một tương lai hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn.
Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị MTWG 45, các quốc gia sẽ thảo luận việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016-2025, các sáng kiến mới trong lĩnh vực giao thông hàng hải phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện kế hoạch hành động 2022-2023 về lưu thông hàng hóa và quản lý chất thải từ tàu, cũng như thảo luận về tương lai hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và đàm thoại với các đối tác đối thoại cùng các hiệp hội khu vực của ASEAN.
H.N