Nhiều hành khách ngạc nhiên và thích thú với các loại hình nghệ thuật truyền thống diễn ra tại Nhà ga T2 Nội Bài trong tuần lễ văn hóa với chủ đề “Hương sắc Hà Nội” từ ngày 24/11 - 30/11/2023.
Đã có nhiều hoạt động diễn ra trong 07 ngày của sự kiện: từ việc bố trí các điểm check-in mang đậm chất Hà Nội tại cả 02 nhà ga hành khách, từ góc triển lãm ảnh nghệ thuật đến không gian văn hóa đặc sắc diễn ra tại sân khấu gần khu vực cửa ra tàu bay số 23 – Nhà ga T2 Nội Bài – đây cũng là điểm nhấn của tuần lễ văn hóa “Hương sắc Hà Nội”
Tại sân khấu nhỏ này, hành khách đã được gặp gỡ các nghệ nhân từ các lãng nghề truyền thống của Hà Nội, các nghệ sỹ hát chèo, ca trù, xẩm, chầu văn.
Hành khách đã được xem một nghệ nhân có tiếng đến từ làng Chuông hướng dẫn may nón lá, hiểu thêm về nghề nón truyền thống của Việt Nam, đồng thời được tặng những chiếc nón lá nhỏ xinh mang đậm hồn Việt đi ra các nước. Không chỉ chiêm ngưỡng các nghệ nhân làm nón, hành khách còn được tự tay trải nghiệm làm nón lá dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của nghệ nhân.
Hành khách được chiêm ngưỡng nghề thêu tranh thủ công, được ngắm những bức tranh thêu lớn được nghệ nhân thực hiện kéo dài hàng tháng, những chiếc khăn đũi, lụa tơ tằm của Việt Nam được tô điểm bởi những họa tiết thêu tay đẹp mắt.
Hành khách vừa được xem quy trình may nón lá
vừa được nghe hát ca trù tại sân khấu gate 23 - Nhà ga T2 Nội Bài
Nghệ nhân làm tò he cũng khiến nhiều hành khách thích thú, đặc biệt là các vị khách nhỏ tuổi. Nhiều bạn nhỏ hào hứng được trực tiếp nặn tò he cùng với nghệ nhân, được hướng dẫn phối màu, vuốt sao cho khéo, cho có hồn… Và đặc biệt các vị khách nhí rất vui khi được mang theo lên tàu bay những chú tò he sặc sỡ của Việt Nam theo về nước.
Các nghệ nhân, nhà điêu khắc gốm cũng làm thu hút sự chú ý của hành khách với các tác phẩm được chế tác ngay tại sân khấu Cảng HKQT Nội Bài. Nhiều vị khách nước ngoài kiên nhẫn ghi hình lại quá trình từ lúc nghệ nhân nhào đất cho đến lúc sản phẩm được điêu khắc thành hình hài trong sự trầm trồ của người xem.
Bên cạnh sức hút của các nghệ nhân làng nghề truyền thống, cũng tại sân khấu nhỏ của Nhà ga T2 Nội Bài, các tiết mục hát chèo, ca trù, hát văn, hát xẩm cũng được lần lượt giới thiệu và gây ấn tượng mạnh với hành khách. Nhiều vị khách phấn khích đã nhảy múa và giao lưu nhiệt tình cùng với nghệ sỹ. Một số hành khách người châu Âu nói lần đầu tiên được thưởng thức các loại hình nghệ thuật độc đáo này. Anh Branko Kochovski, người Zambia chia sẻ: “Mặc dù không hiểu ngôn ngữ nhưng nghe những điệu hát này, tôi cảm giác âm nhạc đã chạm đến tâm hồn tôi”, “Nhất định tôi sẽ kể cho bạn bè tôi về một Việt Nam như thế. Tôi sẽ quay lại Việt Nam để được trải nghiệm nhiều hơn những nét độc đáo của văn hóa, của lịch sử, của danh lam thắng cảnh Việt Nam”, anh hào hứng.
Một nam hành khách trẻ tuổi người Hà Lan sắp đến giờ bay vẫn cứ cố nán lại để nghe nốt tiết mục chầu văn, anh đặc biệt mê người nghệ sỹ đánh trống, anh nói: “Sao âm nhạc của Việt Nam lại đẹp đến vậy! Tôi thật bất ngờ khi được xem ngay tại sân bay”.
Hành khách chăm chú chiêm ngưỡng các bức tranh thêu thủ công
Tiết mục chầu văn: “Cô đôi thượng ngàn” với sự kết hợp đầy ngẫu hứng của tất cả các nghệ sỹ: có người lĩnh xướng, người đánh trống, người múa phụ họa, và thêm 1 vòng tròn lớn hành khách nhún nhảy, quay phim, hò reo xung quanh… tạo nên không khí ấm áp, tưng bừng. Nghệ sỹ thăng hoa, người xem mãn nhãn. Tiết mục như một lời chào đầy ấn tượng mà chương trình tuần lễ văn hóa “Hương sắc Hà Nội” gửi gắm đến mọi hành khách.
Tuần lễ văn hóa “Hương sắc Hà Nội” đã khép lại với nhiều dư âm đẹp trong lòng hành khách về một Hà Nội giàu bản sắc văn hóa. Sau sự kiện khởi đầu thành công, Cảng HKQT Nội Bài sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình thường niên nhằm kết nối, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, tạo ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam ngay tại cảng hàng không cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội./.
PV