Từ cuối tháng 12/2023, Cục Đường thủy nội địa VN bổ sung hệ thống đèn tín hiệu đường thủy gắn định vị vệ tinh, dùng năng lượng mặt trời trên tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà, phục vụ tàu thuyền lưu thông 24/24h.
Phục vụ tàu thuyền lưu thông thuận lợi vào ban đêm, nhiều sương mù
Hồ Thác Bà thuộc địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, được hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - thủy điện đầu tiên của miền Bắc vào năm 1964. Hồ Thác Bà rộng khoảng 23.400 ha, với diện tích mặt nước hơn 19.000 ha, trên hồ có có khoảng 1.300 đảo lớn, nhỏ. Tháng 9/1996, hồ thủy điện Thác Bà đươc công nhận là Di tích Lịch sử danh thắng cấp Quốc gia.
Ảnh minh họa
Năm 2005, Bộ GTVT công bố, đưa vào quản lý, khai thác vận tải thủy tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà, với chiều dài 50km, gồm hai đoạn: cảng Hương Lý – Cẩm Nhân, cảng Hương Lý - đập Thác Bà. Gần 20 năm qua, hồ Thác Bà có sự gia tăng phương tiện và hoạt động vận tải thủy, đến nay có khoảng hơn 500 phương tiện thủy các loại, trong đó có khoảng hơn 50 phương tiện chở khách tuyến cố định, tàu du lịch, vận tải hàng hóa, phương tiện thủy phục vụ sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh…
Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa Phú Thọ (quản lý cảng, bến thủy hồ Thác Bà) cho biết, trên tuyến hiện có 16 cảng, bến thủy hàng hóa và hành khách; năm 2023 các phương tiện trên tuyến đường thủy quốc gia vận chuyển hơn 8.000 lượt khách, gần 192.000 tấn hàng hóa.
Tuy nhiên, theo các đơn vị quản lý cảng bến, luồng tuyến đường thủy và đơn vị vận tải vùng hồ Thác Bà, khó khăn cho hoạt động giao thông thủy là trong những năm qua tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà chỉ được trang bị hệ thống báo hiệu đường thủy để phục vụ phương tiện đi lại ban ngày, còn chưa có hệ thống đèn tín hiệu dẫn hướng ban đêm. Điều này khiến luồng đường thủy quốc gia không thông suốt 24/24h, cũng như nguy hiểm cho phương tiện thủy trong điều kiện thời tiết ban đêm, tối trời, sương mù hoặc tầm nhìn bị hạn chế. Trong khi đó, hồ thủy điện Thác Bà thường có sương mù, luồng đường thủy khó xác định hơn các tuyến sông do có nhiều đảo đất, tuyến nhánh nối với luồng đường thủy quốc gia. Vì vậy, các đơn vị vận tải, người dân vùng hồ Thác Bà mong mỏi tuyến đường thủy sớm được trang bị hệ thống đèn tín hiệu đường thủy ban đêm.
Đáng mừng, từ cuối tháng 12/2023, Cục Đường thủy nội địa VN hoàn thành việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu đường thủy trên phao dẫn luồng, cột biển báo hiệu đường thủy trên tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà.
"Ngày 24/9/2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu đường thủy trên tuyến hồ Thác Bà. Cục Đường thủy nội địa VN triển khai ngay kế hoạch lắp đặt, đến ngày 28/12/2023, hệ thống báo hiệu gồm 51 đèn đã được hoàn thành. Đèn tín hiệu đường thủy có tác dụng định hướng, dẫn luồng cho phương tiện lưu thông vào ban đêm, khi trời tối hoặc nhiều sương mù. Những người điều khiển phương tiện thủy, người dân vùng lòng hồ Thác Bà rất phấn khởi vì giờ đây lái tàu dễ dàng, an toàn, phương tiện có thể lưu thông 24/24h, kể cả trong những ngày sương mù dày đặc", ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN thông tin.
Tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà có chiều dài 50km, đan xen hoạt động vận tải thủy khách tuyến cố định, du lịch, hàng hóa và dân sinh
Đèn dùng năng lượng mặt trời, định vị vệ tinh
Tìm hiểu thêm của PV Tạp chí GTVT, loại đèn tín hiệu được lắp đặt bổ sung trên tuyến đường thủy quốc gia hồ Thác Bà là đèn tín hiệu hiện đại nhất hiện nay, sử dụng năng lượng mặt trời và gắn định vị vệ tinh để bảo đảm chế độ chớp đồng thời của các cặp đèn tín hiệu, giám sát vị trí, theo dõi tình trạng hoạt động của tín hiệu đèn (cường độ ánh sáng, tần suất chớp…) qua mạng internet. Bằng hệ thống máy chủ, phần mềm cài đặt trên máy tính, điện thoại của Cục Đường thủy nội địa VN và đơn vị trực tiếp quản lý luồng đường thủy, bất kỳ sự xê dịch vị trí hoặc thay đổi tín hiệu đèn (nhất là phao dẫn luồng) sẽ được phát hiện kịp thời để xử lý.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ Việt Nhật (VIJA Light, đơn vị sản xuất, cung ứng đèn tín hiệu trên) cho biết thêm: "Loại đèn trên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới để sử dụng trong lĩnh vực đường thủy, hàng hải. Đèn dùng năng lượng mặt trời, có khả năng tích trữ điện để phục vụ đèn hoạt động trong 22 ngày, nên hoạt động của đèn không bị gián đoạn kể cả trong hợp trời mưa, sương mù kéo dài nhiều ngày. Đèn còn chống thấm nước, nên có những trường hợp đèn bị chìm vẫn xác định được vị trí của đèn, giúp dễ dàng tìm kiếm, thu hồi đèn, phao dẫn luồng".
Được biết, vài năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN đã lắp đặt hơn 2.500 đèn tín hiệu hiện đại trên các tuyến đường thủy quốc gia, phục vụ phương tiện thủy lưu thông 24/24h và hiện đại hóa hệ thống báo hiệu đường thủy./.