Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 319/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hội nghị quan trọng này diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/6/2024.
Đánh giá một số kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng ghi nhận doanh nghiệp nhà nước đã bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động.
Thủ tướng cũng biểu dương doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin…, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Có doanh nghiệp nhà nước địa phương phát triển mạnh, vươn ra khắp cả nước như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp. “Trong lĩnh vực điện, xăng dầu, vận tải đều có tăng trưởng cao so với năm 2023, như là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh”, Thông báo số 319 nêu rõ.
Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được người đứng đầu Chính phủ biểu dương do có nhiều đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam diễn ra vào ngày 9/1/2024, đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực sau khi Tổng công ty có ban lãnh đạo mới, trong đó có Chủ tịch HĐTV Đặng Sỹ Mạnh.
Thủ tướng cho biết đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành Đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Giao thông. Ngành Đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết bài toán không thua lỗ, bảo toàn và phát triển về tài sản, nguồn tài chính và nhất là nguồn lực con người.
Tới Ga Hà Nội để "xem có gì mới", Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với công nhân, hành khách đường sắt và được cho biết những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn… "Hành khách nói với tôi là đi tàu giờ sướng lắm. Người lao động nói lương và thu nhập "cũng đủ"", Thủ tướng thân tình chia sẻ với Hội nghị. Thủ tướng đánh giá thời gian qua Tổng công ty đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và "3 năm nay đã khác hẳn".
Những thay đổi của ngành Đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…
"Cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi. Từ khí thế này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực. Doanh thu toàn Tổng công ty đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10,1%, riêng Công ty mẹ doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2%.
Nhờ những biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng 20,6% so với cùng kỳ. Tính riêng dịp tết Nguyên đán đã bán được hơn 650.000 vé tàu, doanh thu đạt 400,7 tỷ đồng, bằng 107,5% so với cùng kỳ.
Kết quả này có thể còn tốt hơn nếu hoạt động vận tải đường sắt không bị hai lần bị gián đoạn do sự cố sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh, làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Tổng công ty đã đưa vào khai thác các đôi tàu có tính chuyên biệt mang dấu ấn văn hóa vùng miền như: Tàu "Kết nối di sản" tuyến Huế - Đà Nẵng, đoàn tàu du lịch "Hành trình tàu đêm Đà Lạt", các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình và các dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Về vận tải hàng hóa, tổ chức khai thác các luồng hàng mới, tạo điều kiện gia tăng giá trị dịch vụ. Thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Theo đó, cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại Cao Xá; khai thác thêm các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, quá cảnh qua Trung Quốc đi đến nước thứ ba như Nga, châu Âu, Mông Cổ và các nước Trung Á.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty đã triển khai thực hiện cơ cấu lại bộ máy. Trong đó, lĩnh vực vận tải, Tổng công ty đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.
Nguồn: vr.com.vn