Tháng 7, lượng hàng hóa do các đoàn tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam xuất phát từ Quảng Tây vận chuyển đã vượt 1.922 TEU, lập kỷ lục mới về lượng hàng hóa vận chuyển theo tháng. Tính đến ngày 31/7, tổng cộng 6.850 TEU đã được vận chuyển trong năm nay, tăng gấp 17 lần so cùng kỳ năm trước, tạo ra một kênh mới để thúc đẩy trao đổi kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Một chuyến tàu liên vận giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: Sina.com.cn)
Đây là thông tin được báo chí Trung Quốc cho biết khi dẫn thống kê của Cục đường sắt Nam Ninh thuộc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, về kết quả vận hành hệ thống đường sắt liên vận và trao đổi hàng hóa song phương qua kênh đường sắt giữa hai nước.
Theo đánh giá, đường sắt liên vận đang dần trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa đã thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của thương mại song phương. Trước đây, trao đổi thương mại hàng hóa chủ yếu dựa vào vận tải đường biển hoặc đường bộ, mất nhiều thời gian và chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết và các yếu tố khác.
Hiện nay, các đoàn tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam đã rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí hậu cần nhờ tính ổn định và hiệu quả. Điều này giúp cho hoạt động thương mại giữa hai nước trở nên thuận tiện và thường xuyên hơn, dù là thiết bị cơ khí, sản phẩm điện tử và các sản phẩm công nghiệp khác của Trung Quốc hay nông sản, thủy sản và các mặt hàng đặc trưng khác của Việt Nam đều có thể thâm nhập thị trường của nhau nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tiếp tục kích thích việc mở rộng quy mô thương mại.
Các đoàn tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam đã rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí hậu cần nhờ tính ổn định và hiệu quả, giúp cho hoạt động thương mại giữa hai nước trở nên thuận tiện và thường xuyên hơn, dù là thiết bị cơ khí, sản phẩm điện tử và các sản phẩm công nghiệp khác của Trung Quốc hay nông sản, thủy sản và các mặt hàng đặc trưng khác của Việt Nam đều có thể thâm nhập thị trường của nhau nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tiếp tục kích thích việc mở rộng quy mô thương mại.
Về hiệu quả của phương thức vận tải đường sắt liên vận, truyền thông Trung Quốc đánh giá, đây là nền tảng để hai nước tăng cường tính bổ sung và kết nối về ngành nghề giữa hai nước. Trung Quốc có nền sản xuất và công nghệ tiên tiến, trong khi Việt Nam có lợi thế về các ngành sử dụng nhiều lao động và chế biến nông sản. Việc khai trương các tuyến tàu liên vận đã thúc đẩy hợp tác giữa các ngành nghề, cho phép cả hai bên tích hợp các nguồn lực hiệu quả hơn, tối ưu hóa cách bố trí chuỗi công nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp. Chẳng hạn, linh kiện điện tử từ Trung Quốc có thể được cung cấp kịp thời cho các nhà máy lắp ráp điện tử tại Việt Nam, trái cây tươi từ Việt Nam có thể nhanh chóng được chuyển đến thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Vào đầu năm nay, một địa điểm giám sát được chỉ định đối với trái cây nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Bằng Tường đã nghiệm thu thành công và được sự chấp thuận của Hải quan Trung Quốc, mở ra hoạt động vận tải trái cây nhập khẩu từ Việt Nam qua kênh đường sắt. Với sự hỗ trợ của chính sách mới, các chuyến tàu vận chuyển trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam đã giảm bớt khâu đổi phương tiện và bốc xếp lại hàng hóa container quá cảnh, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển. Trái cây tươi của ASEAN thông qua chuyến tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam có thể đi tới mọi vùng trong nội địa Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất.
Các chuyến tàu vận chuyển trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam đã giảm bớt khâu đổi phương tiện và bốc xếp lại hàng hóa container quá cảnh, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển. Trái cây tươi thông qua chuyến tàu liên vận có thể đi tới mọi vùng trong nội địa Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất.
Đường sắt liên vận Trung Quốc-Việt Nam còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực dọc tuyến. Các ga tàu và địa phương dọc tuyến đã trở thành nơi tập trung các ngành hậu cần, kho bãi, chế biến và các ngành công nghiệp khác, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Đồng thời, việc phát triển đường sắt Trung Quốc-Việt Nam cũng thúc đẩy việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, bao gồm đường sá, kho bãi..., cải thiện điều kiện sống của người dân biên giới. Không khí giao thương mạnh mẽ, thường xuyên và ngày càng sôi động tại khu vực biên giới sẽ thu hút thêm đầu tư và nhân lực, mang lại nhiều cơ hội khởi nghiệp và không gian phát triển cho người dân biên giới.
Tuy nhiên, việc phát triển đường sắt liên vận vẫn đang đối mặt một số thách thức như kết nối hạ tầng chưa hoàn thiện, năng lực bốc dỡ ở một số ga tàu còn thấp, quy trình thông quan hàng hóa cần được tối ưu hóa để nâng cao hiệu quả...
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh thách thức, đường sắt liên vận Trung Quốc-Việt Nam vẫn có triển vọng rộng mở, khi hai bên không ngừng đi sâu hợp tác và thúc đẩy kết nối kinh tế song phương, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, nâng cao hiệu suất thông quan và chất lượng dịch vụ. Từ đó, đường sắt liên vận có thể phát huy vai trò lớn hơn bằng hiệu quả, sự nhanh chóng, tiện ích, góp phần giảm giá thành vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, làm phong phú hơn chủng loại hàng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, trở thành cầu nối vững chắc cho hai nền kinh tế, đóng góp lớn hơn cho phát triển và thịnh vượng của hai đất nước.
Đường sắt liên vận Trung Quốc-Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 11/2017, với dưới 5 chuyến tàu mỗi tháng ở thời điểm ban đầu, đến nay tăng lên 3 chuyến tàu/tuần, thời gian vận chuyển từ ga Nam Ninh Nam (Trung Quốc) đến ga An Viên (Việt Nam) chưa đến 14 tiếng, đạt hiệu quả cao khi đi và đến cũng như hoàn tất thủ tục hải quan và nhận hàng trong ngày.
Cục đường sắt Nam Ninh thuộc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc
Theo Báo Nhân Dân