Hơn 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Giao thông vận tải, toàn ngành Giao thông đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, phấn đấu đưa các dự án đường cao tốc Bắc - Nam về đích đúng tiến độ.
Chỉ trong 3 năm gần đây, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858 km đường cao tốc, bằng hơn 2/3 chiều dài đường cao tốc thực hiện trong gần 20 năm trước đây (khoảng 1.163 km).
Nhà thầu thi công triển khai thảm bê tông nhựa mặt đường
Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Ðến nay, nước ta đã đưa vào khai thác 2.021 km đường cao tốc. Ðể hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 như Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã đặt ra, thời gian không còn nhiều. Chính phủ đã phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc”, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với mục tiêu mỗi ngày về đích sớm của từng dự án, sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.
Tập trung để về đích sớm
Phó Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Thế Minh đánh giá, đợt thi đua cao điểm nêu trên không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, kỹ sư và người lao động trên công trường, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim để các chủ thể tập trung trí tuệ, sức lực, đưa dự án về đích sớm ngày nào tốt ngày ấy, phục vụ quốc kế dân sinh.
Trong mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, nhiệm vụ tiên quyết là phải hoàn thành thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm 2025 theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đề ra.
Ðể bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp các địa phương rà soát tình hình triển khai và chia các dự án thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm 13 dự án, tổng chiều dài hơn 700 km, là những dự án có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, nguồn vật liệu, các vướng mắc khác nảy sinh đã cơ bản được tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025 (gồm các đoạn cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Bãi Vọt đến Vạn Ninh và từ Quảng Ngãi đến Nha Trang; tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Nhóm thứ 2 gồm 10 dự án tiến độ bám sát kế hoạch, song còn một số khó khăn về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu,... cần được tháo gỡ trong tháng 8/2024 mới kịp thi công, hoàn thành trong năm 2025. Nhóm thứ 3 có 4 dự án (dài 60 km) đang gặp nhiều khó khăn, các chủ thể phải tập trung giải quyết, nỗ lực vượt bậc mới có thể hoàn thành trong năm 2025, gồm đoạn qua tỉnh Ðồng Nai của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phần còn lại của Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
“Nhóm thứ 3 này đang gặp thách thức cả về mặt bằng, vật liệu đắp, rất khó đạt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025 nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư/cơ quan chủ quản, nhà thầu. Ðơn cử, tại tỉnh Ðồng Nai có dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tuy địa phương đã rất nỗ lực nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt khoảng 40%”, ông Minh lý giải.
Ngay từ khi triển khai “đại dự án” đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc, giao nhiệm vụ cho bộ, ngành, địa phương, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cử cán bộ có chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm đồng hành cùng địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng, xác định khu vực ưu tiên triển khai trước.
Chạy đua tiến độ
Trong “đại dự án” đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II (2021-2025), dự án thành phần Quảng Ngãi-Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư có quy mô lớn nhất, với chiều dài 88 km, tổng mức đầu tư gần 20.500 tỷ đồng, được tổ chức, quản lý theo hình thức Tổng thầu.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành năm 2026, song thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tại lễ phát động thi đua “500 ngày đêm”, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đang tập trung cao độ nguồn lực để đưa dự án về đích trong năm 2025.
Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, hiện tại, dự án đã được bàn giao mặt bằng “sạch”, chỉ còn vướng vài vị trí hạ tầng kỹ thuật đường điện. Ban đang chỉ đạo nhà thầu tăng tốc thi công đắp nền đường ở một số vị trí trũng thấp xung yếu, đạt cao độ yêu cầu trước ngày 30/9 tới khi mùa mưa lũ đến.
“Ngay sau lễ phát động, Ban và nhà thầu đã đề xuất thay đổi 1 số biện pháp tổ chức thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ hầm số 3 (kế hoạch hoàn thành ngày 30/9/2026) xong trước ngày 31/12/2025, đồng bộ với các dự án thành phần khác. Ban cũng yêu cầu Tập đoàn Ðèo Cả dốc toàn lực vào dự án này theo mốc thi đua của Chính phủ vì không còn đường lùi”, ông Lê Thắng khẳng định.
Chiều 26/8, tại gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhà thầu Tập đoàn Ðèo Cả đã tiến hành thảm đại trà lớp bê tông nhựa rỗng (lớp đầu tiên) sau khi kết quả thảm thử 100m được chủ đầu tư, tư vấn giám sát kiểm nghiệm và chấp thuận về chất lượng.
Nhà thầu đã huy động 3 giàn thảm, mỗi giàn gồm 1 máy rải, 4 máy lu, 30 ô tô vận chuyển cùng hàng chục kỹ sư, công nhân cho hạng mục thảm bê tông nhựa rỗng. Theo đại diện Tập đoàn Ðèo Cả, việc thảm bê tông nhựa là bước chạy đà quan trọng trong việc rút ngắn tiến độ, đưa công trình về đích trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Quảng Ngãi Hoài Nhơn cho biết, trên toàn dự án, các nhà thầu đã huy động 4.254 nhân sự (gồm 458 kỹ sư, 3.786 công nhân), chia thành 44 mũi thi công (22 mũi thi công đường, 16 mũi thi công cầu và 6 mũi thi công hầm) với tổng số 1.822 máy móc, thiết bị (trong đó có 297 xe lu).
Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi, hầm số 1 và số 2 đều đã đào thông cả 2 ống, hầm số 3 đã đào được 1.589m và 1.478m (gần bằng 50% tiến độ), riêng hạng mục hầm, nhà thầu thi công liên tục 24/7. Tập đoàn Ðèo Cả đã chủ động triển khai các giải pháp thi công, áp dụng sáng kiến cải tiến thi công, đẩy nhanh tiến độ bằng phương pháp đào hầm “Hệ Ðèo Cả” (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm).
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định, trong bối cảnh các dự án tăng tốc “về đích” sớm, song vấn đề bảo đảm chất lượng công trình được Bộ kiểm soát gắt gao và coi trọng hơn bao giờ hết, lãnh đạo Bộ đều quán triệt tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Các dự án được triển khai, đưa vào khai thác đều đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc. Ðồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án rà soát kỹ tình hình triển khai các dự án, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, huy động bổ sung nhân lực, máy móc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện một số dự án có điều kiện thuận lợi.
Nguồn: Báo Nhân dân