Sáng 15/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản về Dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Sáng 15/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về Dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê; Lãnh đạo một số Vụ, Cục liên quan; Tổng công ty ĐSVN; Viện Chiến lược và phát triển GTVT; Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT; Công ty Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT. Về phía Nhật Bản, có ông Motononi Tsuno, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; Giáo sư Morichi, Trưởng Đoàn nghiên cứu JICA và các thành viên trong Đoàn nghiên cứu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn nghiên cứu JICA đã trình bày về Báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu lập dự án cho các dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang. Trên cơ sở nghiên cứu của JICA và các điều kiện thực tế của Việt Nam, Đoàn nghiên cứu JICA đã đưa ra 4 phương án nâng cấp hoặc cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, gọi tắt theo mã là A1, A2, B1 và B2; trong đó, A1 là các dự án cải tạo tối thiểu để đảm bảo an toàn chạy tàu (các dự án đã triển khai và đã cam kết); A2 tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn hiện tại; B1 tăng cường năng lực vận tải bằng cách đường đôi hóa, nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km/h và B2 kết hợp đường đôi hóa (sử dụng khổ đường 1435 mm) và điện khí hóa với tốc độ chạy tàu tối đa là 150 km/h trở lên.

Đại diện Đoàn nghiên cứu JICA trình bày Báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu
lập dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang
Cũng theo Đoàn nghiên cứu JICA, phương an A1 và phương án A2 là đường đơn, còn phương án B1 và phương án B2 sử dụng đường đôi; quy mô đầu tư cải tạo có sự chênh lệch lớn giữa các phương án; do đó, đối với phương án A2, các đoạn ở miền Trung (những nơi cần cải tạo ở khu vực đèo vượt núi) cần nhiều đầu tư hơn các đoạn khác. Cụ thể, phương án B2 là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại sử dụng đường đơn và không điện khí hóa thành đường đôi có điện khí hóa, nâng tốc độ chạy tàu tối đa từ 90 km/h thành 150 km/h cho tàu khách và 60 km/h thành 80 km/h cho tàu hàng, và tàu chở container lên 120 km/h. Việc đường đôi hóa được thực hiện bằng cách bổ sung một đường mới bên cạnh đường sắt đơn hiện có.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê; Phó Cục trưởng Cục ĐSVN Nguyễn Văn Doanh; Tổng Giám đốc kiêm Quyền Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Đạt Tường; Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Trọng Bách...
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao sự giúp đỡ của JICA trong việc phát triển GTVT Việt Nam thời gian qua, đặc biệt JICA cũng hết sức quan tâm đến sự phát triển của đường sắt Việt Nam, đã giúp đỡ tổ chức Đoàn nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc - Nam. Qua báo cáo cuối kỳ này, Bộ trưởng đánh giá rất cao sự làm việc nghiêm túc, có kinh nghiệm của Giáo sư Morichi, Trưởng Đoàn nghiên cứu cùng các chuyên gia trong Đoàn nghiên cứu JICA và sự phối hợp của các Giáo sư, chuyên gia, lãnh đạo Đường sắt Việt Nam đã cơ bản hoàn thành báo cáo của dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng công ty ĐSVN tổ chức nghiệm thu báo cáo, trên cơ sở đó, JICA công bố độc lập về báo cáo này; Bộ GTVT sẽ thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng dự án, triển khai nhanh tuyến đường sắt Bắc - Nam, Ban chỉ đạo sẽ do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Trưởng ban để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam, trong đó có quy hoạch phát triển đường sắt mới được phê duyệt; Bộ GTVT sẽ làm báo cáo trên kết quả nghiên cứu của dự án đường sắt này, để báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đối với tuyến đường sắt hiện có, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý sẽ giữ nguyên như hiện tại và cải tạo, nâng cấp ở mức bình quân khoảng 90 km/h đối với tàu khách, 60 km/h đối với tàu hàng. Về xây dựng tuyến đường sắt mới, do đây là dự án có vốn đầu tư lớn, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt khổ đôi (sử dụng khổ đường 1435 mm), theo tuyến mới hoàn toàn độc lập với tuyến đường sắt cũ hiện nay; việc xây dựng đường sắt mới này phù hợp với chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xuân Nguyên