Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong các buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GTVT tại các nhà máy đóng tàu tại khu vực Hải Phòng là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng; Bạch Đằng và Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong các buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GTVT tại các nhà máy đóng tàu tại khu vực Hải Phòng là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng; Bạch Đằng và Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo 2 Tổng công ty Phà Rừng và Bạch Đằng đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013, kế hoạch năm 2014. Lãnh đạo các đơn vị cũng báo cáo trước đoàn công tác kết quả công tác tái cơ cấu của đơn vị trong thời gian qua; kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp và đặc biệt là các vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm tiếp nhận được các hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể của đại diện các cơ quan tham mưu, chức năng của Bộ.
Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần tương thân tương ái của Đóng tàu Sông Cấm đã tiếp nhận đơn vị khó khăn như Bến Kiền,
tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động
Tại TCT CNTT Phà Rừng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Nguyễn Quang Thăng cho biết: Trong bối cảnh thị trường đóng tàu và sửa chữa tàu còn khó khăn, TCT đã mạnh dạn chuyển hướng sang lĩnh vực gia công kết cấu thép.
"Do triển khai sớm nên hiện nay, Phà Rừng đã khẳng định được mình trong lĩnh vực này với các khách hàng trong và ngoài nước. TCT đang tiến hành lựa chọn, tính toán để làm những gói thầu phù hợp với phương án kinh doanh khả thi bù đắp được chi phí, tạo công ăn việc làm cho người lao động", Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quang Thăng chia sẻ.
Tổng Giám đốc Tổng công ty CNTT Bạch Đằng Trương Hoàng Cao thì cho biết, trong năm 2013, TCT đạt doanh thu gần 175 tỷ đồng, thu nhập bình quân tại công ty mẹ là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Trên cơ sở kế hoạch sản phẩm năm, Bạch Đằng dự kiến năm 2014, toàn Tổng công ty đạt doanh thu hơn 171 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân của người lao động lên 4 triệu đồng/người/tháng.
Về công tác cổ phần hóa, lãnh đạo TCT CNTT Phà Rừng cho biết sẽ hoàn thành việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần vào tháng 4/2015; TCT CNTT Bạch Đằng hoàn tất việc này từ 10/2014 - 12/2014.
Tại Công ty Cổ phần Đóng tàu sông Cấm, Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hà cho biết, năm 2014, dự kiến giá trị tổng sản lượng đạt 1900 tỷ đồng, trong đó sẽ đóng mới 34 sản phẩm, sửa chữa 10 sản phẩm, thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng Giám đốc Sông Cấm Phạm Mạnh Hà cũng cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin cũ, Tổng công ty CNTT (SBIC), sau bước đầu tiếp nhận tài sản của Công ty Bến Kiền, Sông Cấm đã tiến hành các thủ tục pháp lý thành lập Chi nhánh Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền hạch toán phụ thuộc. Tổ chức bộ máy chi nhánh về cơ bản giữ nguyên cơ cấu chính của Công ty Bến Kiền tránh sự xáo trộn làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, mặt khác thu gọn các đầu mối bộ phận hành chính, giảm dần lực lực lượng gián tiếp không cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ GTVT và Sông Cấm, ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Kiền hiện là Giám đốc Chi nhánh Bến Kiền - Công ty Cổ phần Đóng tàu sông Cấm cho biết: " Công ty cũng bố trí đủ việc làm cho toàn bộ CBCNV ngay sau khi tiếp nhận, kể từ khi chuyển giao, người lao động của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Kiền cũ, Chi nhánh Bến Kiền đã liên tục làm việc với cường độ cao, không có tình trạng chờ việc, nghỉ việc. Từ chỗ không có việc làm, thu nhập của người lao động tại Chi nhánh đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng , các điều kiện làm việc, chế độ, chính sách đối với người lao động tại Chi nhánh được áp dụng như tại Công ty. Đời sống của người lao động Bến Kiền bắt đầu được nâng cao".
Bộ trưởng Đinh La Thăng và đoàn công tác Bộ GTVT làm việc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy đóng tàu
trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đóng tàu sông Cấm, Bộ trưởng Đinh La Thăng biểu dương những kết quả tốt đẹp mà Công ty đạt được trong thời gian qua, xứng đáng là điểm sáng để các đơn vị của SBIC học tập. Bộ trưởng cũng đánh giá cao sáng kiến ghép 2 đơn vị này với nhau, biểu dương tinh thần tương thân tương ái của lãnh đạo Sông Cấm cũng như sự đúng đắn của các cơ quan tham mưu của Bộ và SBIC trong quá trình tái cơ cấu SBIC nói chung và 2 đơn vị này nói riêng.
Đối với các đơn vị khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định chủ trương tái cơ cấu Vinashin trước đây và SBIC hiện nay của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn để xây dựng, ổn định và phát triển ngành đóng tàu, phục vụ ngành kinh tế biển của đất nước.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của công nhân lao động ngành đóng tàu, SBIC nói chung, của các TCT Phà Rừng, Bạch Đằng và Sông Cấm nói riêng đã cố gắng thực hiện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu quyết liệt toàn diện theo chỉ đạo của Chính phủ, trong điều kiện thị trường vận tải biển và đóng tàu chưa hồi phục.
Tại đây, Bộ trưởng cũng yêu cầu các công ty, Tổng công ty đẩy mạnh sản xuất, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm, mẫu mã mới, hướng vào thị trường nội địa như đóng tàu đánh cá, du lịch...; sắp xếp lại cơ cấu đơn vị, hạn chế tối đa các bộ phận gián tiếp...để tiết kiệm chi phí. Các Tổng công ty đóng tàu cũng không nên chạy theo số lượng sản phẩm mà phải tập trung để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có lãi; Lãnh đạo các đơn vị cần cố gắng hơn trong việc chăm lo đến đời sống, việc làm cho người lao động, xử lý tối đa chế độ cho người lao động.
Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Đổi mới Doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) và Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) sâu sát hơn nữa, phân công cán bộ cụ thể để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đóng tàu trong khu vực Hải Phòng và các doanh nghiệp của SBIC nói chung để công tác tái cơ cấu phải được đẩy mạnh, nhanh hơn nữa.
Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều kiến nghị của các đơn vị. Để giải quyết các kiến nghị này, Bộ trưởng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT tập hợp kiến nghị của SBIC, Vinalines để tháng 5/2014, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ cho các đơn vị đóng tàu nhằm nhanh chóng thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu các đơn vị này theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố Hải Phòng quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cho các đơn vị đóng tàu đóng trên địa bàn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động và các vấn đề liên quan.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp đóng tàu cũng phải có trách nhiệm báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động cũng như các vướng mắc phát sinh của đơn vị mình với lãnh đạo địa phương, từ đó tạo sự gắn kết giữa đơn vị với địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu toàn diện ngành đóng tàu", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Hoàng Lâm