Sáng 17/4, tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức sơ kết 02 tuần thực hiện tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Tham dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội Trung tướng Đỗ Đình Nghị. Đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, các Hiệp hội và lãnh đạo Sở GTVT 17 tỉnh, thành phố cùng tham dự hội nghị.
Sáng 17/4, tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức sơ kết 02 tuần thực hiện tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Tham dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội Trung tướng Đỗ Đình Nghị. Đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, các Hiệp hội và lãnh đạo Sở GTVT của 17 tỉnh, thành phố cùng tham dự hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng trình bày báo cáo
sơ kết thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe
Tại hội nghị sơ kết, Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe theo Công điện 95/CĐ-TTg và 15 ngày triển khai kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc (từ ngày 01/4/2014 - 15/4/2014). Theo đó, từ ngày 01/4/2014, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng xe ô tô. Hiện tại đã có trên 40 địa phương thành lập được Trạm kiểm tra trọng tải xe (KTTTX) xe lưu động, phê duyệt Kế hoạch phối hợp liên ngành, quyết định điều động lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm; có 53 địa phương đã ký Quy chế phối hợp KTTTX tại trạm KTTTX lưu động với Bộ GTVT. Đến ngày 15/4, đã có 52/63 địa phương triển khai thực hiện việc đưa các trạm cân KTTT lưu động vào hoạt động, chiếm 82,5%; 17 địa phương tích cực tiển khai, duy trì hoạt động của trạm 24h/24h và hoạt động thường xuyên các ngày trong tuần. Trong đó, điển hình có 07 địa phương làm tốt do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cả hệ thống chính trị, cụ thể là các tỉnh: Lâm Đồng, Phú Thọ, Hà Nam, Yên Bái, Nam Định, Hà Nội, Nghệ An. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông của nhiều địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng nội dung. Kết quả, trong tuần đầu ra quân đã kiểm tra 4.122 xe, trong đó có 750 xe vi phạm, chiếm 18,2%, trong nửa tháng đầu đã kiểm tra được 10.979 xe, trong đó có 2.132 xe vi phạm, chiếm 19,4%.
Trong hai tuần thực hiện kiểm tra tải trọng xe, lãnh đạo một số địa phương đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, hai ngành GTVT và Công an khắc phục khó khăn, tập trung, quyết liệt phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị như hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đăng ký phương tiện ô tô của trạm KTTTX bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, lực lượng phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe. Lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự … của một số địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, phối hợp, thống nhất trong công tác và chấp hành nghiêm quy trình, quy chế công tác của từng lực lượng, chủ động, khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong giải quyết các vụ việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lãnh đạo các địa phương còn chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, còn 11 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động được cấp vào hoạt động, một số địa phương còn chưa đưa trạm cân vào thực hiện tại các quốc lộ trọng điểm, chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Nhiều địa phương chỉ hoạt động hưởng ứng trong ngày 01/4 sau đó dừng hoạt động, xảy ra tình trạng các doanh nghiệp chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, theo dõi các động thái của cơ quan chức năng… Công tác bảo quản thiết bị, vận hành của một số trạm chưa tuân thủ quy trình, hướng dẫn của nhà sản xuất dẫn đến tình trạng trục trặc, hư hỏng gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra tải trọng xe…
Đông đảo các đại biểu về dự hội nghị sơ kết
02 tuần thực hiện tăng cường kiểm soát tải trọng xe
Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng cũng đề nghị, trong thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe”, các Bộ, ngành, địa phương ngoài việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu cần chú trọng triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tải trọng xe.
Cũng tại Hội nghị sơ kết, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo tình hình kiểm soát tải trọng trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó, trong thời gian qua từ 20/3 đến 15/4, các đơn vị đăng kiểm đã từ chối kiểm định đối với 254 xe khách do tự ý lắp thêm ghế, thêm giường hoặc cơi nới hầm chở hàng của xe; 185 xe không đạt do liên quan đến tự ý cải tạo xe; 240 xe đã sửa chữa, khôi phục nguyên trạng được kiểm định. Các đơn vị đăng kiểm cũng từ chối kiểm định đối với 1445 xe tải do tự ý cơi nới thùng chở hàng, đã có 3293 xe sửa chữa, phục hồi nguyên trạng được kiểm định. Từ 01/01/2014 đến nay, các đơn vị đăng kiểm đã đưa vào cảnh báo 6784 xe không đạt tiêu chuẩn, trong đó có gần 1600 xe do lỗi liên quan đến thùng hàng. Qua gần 01 tháng triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng về nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm, các đơn vị trong toàn ngành đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thực hiện triệt để công tác kiểm định xe, góp phần vào sự thành công trong việc siết chặt tải trọng phương tiện.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam,... đã có báo cáo tham luận, trình bày kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm tra tải trọng phương tiện tại đơn vị mình. Đồng thời, đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí cũng đặt câu hỏi, nêu ra những vấn đề vướng mắc cần được Bộ GTVT và các đơn vị liên quan giải trình.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe” là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhiệm vụ này được Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt tạo được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau 2 tuần triển khai thực hiện, kết quả đạt được bước đầu hết sức quan trọng, khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thực hiện được mục tiêu tiếp tục đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, thực hiện việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa giá cước vận tải trở về đúng thực chất, góp phần tái cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh vận tải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc kiểm soát tải trọng xe
là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, góp phần tái cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh vận tải
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đơn vị kinh doanh vận tải, các cơ quan thông tấn báo chí... đồng thời sẽ có văn bản gửi các cơ quan, Ban ngành, các địa phương giải trình những vấn đề còn vướng mắc, nghiêm túc thực hiện các giải pháp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thường xuyên liên tục công tác kiểm tra, kiểm soát, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hạn chế chi phí ngoài vận tải.
Xác định nguyên nhân thực trạng xe chở quá tải trọng hiện nay là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ GTVT và do cơ chế chính sách không hợp lý, yêu cầu đặt ra cần phải hoàn thiện lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các Nghị định 91, 93, đưa dự thảo Nghị định sửa đổi lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu được những tồn tại, bất cập để Nghị định đi vào cuộc sống thiết thực, đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng đề nghị tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân đối với những chủ trương, chính sách của Bộ; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người thực thi công vụ trong đó có thanh tra giao thông; tiếp tục thực hiện quyết liệt các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp cụ thể, thường xuyên, liên tục; tăng cường tuần tra kiểm soát, thanh tra không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực tại các trạm cân lưu động; nâng cao, đảm bảo chất lượng thiết bị tại trạm cân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống biển báo, chỉ dẫn, bổ sung các chế tài xử lý…
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc, chỉ đạo các lực lượng liên ngành tham gia phối hợp, thực hiện hiệu quả với mục tiêu tiếp tục kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, làm trong sạch, minh bạch thị trường kinh doanh vận tải, tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh vận tải đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong tham gia giao thông./.
KC