Sáng nay (8/6), Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe công trình.
Sáng nay (8/6), Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát lệnh thông xe công trình.
Tới dự sự kiện này có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Xuân Dụ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phan Văn Vọng và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng; đại diện các cơ quan của Quốc hội; đại diện các cơ quan của Bộ GTVT, tỉnh Vĩnh Phúc; Phía Hàn Quốc có Thứ trưởng Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại VN…
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại Lễ khánh thành cầu Vĩnh Thịnh
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (Thành phố Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), thuộc tuyến đường Vành đai 5 Thành phố Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Đây là cầu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; có chiều dài 5.487m (trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m), mặt cầu rộng 16,5m gồm 4 làn xe chạy, tốc độ thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là dự án đầu tư đầu tiên mà EDCF dành cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Dự án thể hiện tình hữu nghĩ giữa Việt Nam - Hàn Quốc, được nâng lên tầm đối tác chiến lược của hai quốc gia.
“Sự kiện khánh thành, chính thức đưa công trình cầu Vĩnh Thịnh vào sử dụng đã thể hiện sự cố gắng to lớn của Ngành Giao thông vận tải trong việc triển khai đúng đắn các chính sách của Chính phủ vào việc quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc đưa cây cầu vào khai thác sử dụng đã rút ngắn khoảng cách hàng chục km từ khu vực phía Tây Hà Nội kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các đô thị, tỉnh lỵ lân cận Thủ đô Hà Nội; chấm dứt hoạt động của phà Vĩnh Thịnh luôn rình rập tai nạn nguy hiểm từ nhiều năm nay” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Cũng tại buổi Lễ, đại diện nhà thầu, tư vấn giám sát, lãnh đạo Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thành phố Hà Nội đã có bài phát biểu nhân dịp lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo và phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh
Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cầu Vĩnh Thịnh có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm giao thông vận tải, góp phần cải thiện nâng cao đời sống nhân dân của Thủ đô Hà Nội, của tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta.
Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh), biểu dương Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc, đặc biệt biểu dương cán bộ, kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm để triển khai Dự án, đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Thịnh vượt tiến độ trước thời hạn 7 tháng, đảm bảo chất lượng công trình theo đúng yêu cầu đề ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình thi công dự án.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ngành Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành trong cả nước cùng thi đua, nỗ lực phấn đấu để xây dựng, đưa vào sử dụng nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả nhiều công trình hơn nữa trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bởi đây là một khâu đột phá trong chiến lược để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sớm đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã tài trợ vốn vay ODA ưu đãi cho Dự án cầu Vĩnh Thịnh; đồng thời cho biết hiện Hàn Quốc là đối tác chiến lược, là nhà đầu tư tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn trân trọng và sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và các nước khác trong đầu tư dự án. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác của Việt Nam - Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; thực sự là đối tác chiến lược của nhau, mang lại sự phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, lãnh đạo các bộ, ban,
ngành Trung ương và địa phương liên quan cắt băng khánh thành, chính thức đưa cầu Vĩnh Thịnh vào sử dụng
Vũ Hoa