Thiết lập thí điểm tuyến vận tải ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh

Thứ hai, 19/05/2014 17:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chuyên ngành thống nhất đồng ý với đề xuất này tại cuộc họp báo cáo về đề xuất thí điểm san tải đường bộ bằng vận tải đường thủy giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh do Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì chiều 19/5.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chuyên ngành thống nhất đồng ý với đề xuất này tại cuộc họp báo cáo về đề xuất thí điểm san tải đường bộ bằng vận tải đường thủy giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh do Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì chiều 19/5.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp

Đánh giá hiện trạng việc vận chuyển hàng hóa giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) Bùi Thiên Thu cho biết: Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh này chủ yếu bằng đường bộ. Cụ thể, theo khảo sát của Cục HHVN, nhu cầu vận chuyển hàng đến và từ các cảng khu vực Hà Tĩnh khoảng 42.000 tấn/tháng; khu vực Nghệ An khoảng 50.000 tấn/tháng; nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại Hải Phòng theo hình thức vận chuyển bằng đường bộ là 3,77 tấn/tháng (chiếm 80%), bằng đường thủy nội địa là 641.667 tấn/tháng (chiếm 15%), bằng đường sắt là 200.000 tấn/tháng (chiếm 5%). Khối lượng hàng hóa vận chuyển hàng tháng bằng đường bộ giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ước tính chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.

Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương thức đường bộ giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là 621.000 tấn. Theo tính toán, sử dụng phương tiện đường bộ (đối với xe ô tô có trọng tải 30T) cần 21.000 lượt xe; sử dụng phương tiện đường thủy (với phương tiện có trọng tải 1.000T) cần 626 lượt phương tiện. Như vậy, số lượng phương tiện đường bộ gấp hơn 33 lần số phương tiện đường thủy.

So sánh giá cước và thời gian vận chuyển, ông Bùi Thiên Thu cho biết: Nhìn chung, giá cước vận chuyển container bằng đường thủy chỉ bằng 1/5 - 1/6 so với phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển bằng đường bộ chỉ nhanh hơn từ 2-3 lần. Về cơ bản, việc vận chuyển hàng rời bằng đường thủy cũng có mức chi phí tiết kiệm tương tự như vậy. Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường bộ với khối lượng lớn sẽ cần một số lượng lớn các phương tiện vận chuyển gây ách tắc giao thông, xuống cấp hạ tầng đường bộ, gia tăng tai nạn giao thông đường bộ. Vì vậy, việc phát triển loại hình vận chuyển giữa Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh sang phương thức vận tải khác, đặc biệt là bằng đường thủy là rất cần thiết, phát huy tối đa các lợi thế, hiệu quả; trong đó chú trọng kết hợp phương thức đường thủy nội địa và đường biển.

Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan đánh giá những lợi thế vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và cùng đưa ra ý kiến thống nhất, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã đồng ý thiết lập thí điểm tuyến vận tải ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Thời gian thí điểm là 6 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2014.

Thứ trưởng yêu cầu Cục HHVN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án, làm văn bản trình Bộ GTVT phê duyệt; đồng thời thống nhất giải pháp tổ chức thực hiện, lập kế hoạch cụ thể với việc sử dụng đội tàu; đào tạo, sát hạch người điều khiển phương tiện; cấp chứng chỉ chuyên điều khiển phương tiện đi ven biển, vùng hoạt động của phương tiện.

Vũ Hoa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)