Chiều 15/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Thông tư quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị.
Chiều 15/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Thông tư quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị.
Tại cuộc họp, đại diện Ban soạn thảo Thông tư của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo Thông tư gồm 4 chương và 16 điều quy định việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống tuyến đường sắt đô thị khi xây dựng mới và trong khai thác sử dụng. Theo đại diện Ban soạn thảo, dự thảo Thông tư lần này được chỉnh sửa, bổ sung 3 nội dung chính đó là làm rõ thêm về một số thuật ngữ, nội dung kỹ thuật và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thi hành Thông tư.
Các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản bên hình phối cảnh con tàu của tuyến
đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh Tuổi trẻ
Theo dự thảo Thông tư, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc đánh giá, chứng nhận đối với tuyến đường sắt đô thị trong 3 trường hợp, đó là khi xây dựng mới, định kỳ trong khai thác sử dụng và khi thay đổi, nâng cấp. Trong việc đánh giá, chứng nhận khi xây mới được thực hiện theo nội dung xem xét, đánh giá các báo cáo kết quả thẩm tra, xác nhận do Tổ chức tư vấn thực hiện theo từng giai đoạn và của toàn hệ thống; bên cạnh đó xem xét, đánh giá báo cáo nghiệm thu hệ thống của Chủ tuyến đường sắt; đồng thời kiểm tra việc thực hiện quy trình thẩm tra, xác nhận an toàn của Tổ chức tư vấn và giám sát thử nghiệm vận hành các tổng thành, hệ thống.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Dương Thị Khuê Anh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN cho biết, qua rà soát hồ sơ trình dự thảo Thông tư cũng như một số vấn đề liên quan đến việc chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị của Tuyến số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên), hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư nên Vụ KHCN đề xuất sau khi thực hiện thí điểm đánh giá, chứng nhận ở Tuyến số 1 TP Hồ Chí Minh, cùng với Luật Sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt có hiệu lực, lúc đó mới ban hành Thông tư, các tuyến đường sắt đô thị khác sẽ thực hiện giống như cơ chế đặc thù thí điểm cho Tuyến số 1 TP Hồ Chí Minh. “Phương án này sẽ bảo đảm tính pháp lý của Thông tư và Thông tư ban hành sẽ tránh được những bất cập có thể xảy ra” - bà Dương Thị Khuê Anh nhấn mạnh.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo dự thảo Thông tư của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan; Thứ trưởng cho rằng hệ thống đường sắt đô thị ở Việt Nam còn rất mới, đang trong giai đoạn xây dựng, trong khi đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng chưa đầy đủ, do đó việc xây dựng, ban hành Thông tư này là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng thừa nhận rằng quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị là rất mới và rất khó, cần phải có nhiều cuộc trao đổi, đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư, đồng thời mời một số bộ, ngành liên quan tham gia ý kiến. Thứ trưởng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp để chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Thông tư; đồng thời yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan lưu ý tránh chồng chéo trong việc nghiên cứu các văn bản liên quan, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hành chính cũng như trách nhiệm của chủ thể, nghĩa vụ thực hiện, thẩm quyền cần phải chi tiết, cụ thể hơn.
Xuân Nguyên