Sáng 12/5, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án thành phần 2 - Trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2013 thuộc “Dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015”.
Sáng 12/5, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án thành phần 2 - Trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015 thuộc “Dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015”.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án 4 - đơn vị được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý Dự án cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý dự án 4 đã bàn giao toàn bộ 67 bộ cân lưu động thuộc Dự án thành phần 2 - Trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015 cho các Sở GTVT thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 4 Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cụ thể, giai đoan 1 (tháng 9/2013) bàn giao 10 bộ cân lưu động cho các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Yên Bái, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Lâm Đồng; giai đoạn 2 (tháng 12/2013 - tháng 02/2014) bàn giao 53 bộ cân lưu động cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại và 4 bộ cân lưu động cho các Cục Quản lý đường bộ, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã đưa bộ cân lưu động vào hoạt động để kiểm tra tải trọng xe.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 4, trong giai đoạn đầu sử dụng còn xảy ra nhiều sự cố do nguyên nhân khách quan và chủ quan (cố tình phá hoại, thiết bị, người sử dụng vận hành không đúng quy trình, mặt bằng cân chưa được đảm bảo...). Công ty Hanel A&M (Công ty thành viên của Công ty TNHH MTV Hanel được giao nhiệm vụ bảo hành sửa chữa) đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo hành, tích cực sửa chữa, thay thế phụ tùng để kịp thời bàn giao cho các Sở GTVT, lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, tư vấn và hướng dẫn biện pháp khắc phục sự cố, vận hành hệ thống cân đúng quy trình. Tuy nhiên lực lượng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, một số thiết bị như camera, UPS... chưa đủ điều kiện vật tư thay thế nên một số trường hợp chưa khắc phục kịp thời.
Theo thống kê của Công ty Hanel A&M đa số sự cố xảy ra ở 32/63 tỉnh, thành phố (chiếm khoảng 50% đơn vị sử dụng); trong đó 8 sự cố do phá hoại (xe quá tải cố tình phá: đi ra ngoài bàn cân nhưng không dừng, xe ô tô phanh gấp đẩy bàn cân trôi gây hư hỏng cáp, giắc kết nối và bàn cân; 9 sự cố do lỗi thiết bị: camera hỏng, mất tín hiệu đường truyền với bảng LED, UPS hỏng, pin máy vi tính hỏng; 15 sự cố do lỗi người sử dụng: tự thay đổi phần mềm hệ thống; tháo lắp đầu nối không đúng quy định. Về cơ bản các lỗi này đã được Công ty Hanel A&M khắc phục, có 4 sự cố chưa khắc phục được đều do lỗi camera do phải chờ sửa chữa bảo hành ở nước ngoài (các trạm kiểm tra tải trọng xe này chuyển sang chế độ dùng camera tổng thể và biển số đăng ký bằng tay).
Thực hiện công tác cân tải trọng xe trên Quốc lộ 37 (Ảnh baotuyenquang.com.vn)
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết đây là chủ trương mới trong kiểm soát tải trọng xe, đã làm thay đổi nhận thức rất lớn trong việc xử lý đối với các nhà xe. Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng xe, phải làm mạnh hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, liên tục hơn nữa nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác giữ đường, đảm bảo thông suốt cho các tuyến đường, chấm dứt tình trạng xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng quy định.
Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai kiểm soát tải trọng xe thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu kiểm điểm lại công tác quản lý nhà nước về kiểm soát tải trọng xe; trong đó rà soát, đánh giá rõ về quy trình vận hành, tốc độ đi qua trạm cân, việc sử dụng trạm cân… nhằm tránh sai sót dẫn đến hư hỏng cân. Thứ trưởng cũng yêu cầu cần đơn giản hóa quy trình vận hành, tăng cường công tác bảo dưỡng định kỳ, công tác thanh tra giao thông, phân cấp rõ trách nhiệm giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Sở GTVT các địa phương, trong đó trách nhiệm chính là các Sở GTVT.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với Công ty TNHH MTV Hanel đánh giá chất lượng bộ cân sau một tháng triển khai thực hiện, làm rõ những mặt tồn tại, bất cập trong quá trình sử dụng bộ cân. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu Bộ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe; đồng thời Công ty TNHH MTV Hanel chủ động rà soát lại chất lượng 67 trạm cân, có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời bảo đảm hoạt động của các bộ cân.
Xuân Nguyên