Sáng nay (13/5), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Sáng nay (13/5), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo báo cáo của Tư vấn - Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT, việc đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi là điều cần thiết không những cho giai đoạn trước mắt mà còn phù hợp với quy hoạch phát triển trong tương lai giai đoạn 2020 và sau năm 2020 của đường sắt khu vực TP. HCM. Bên cạnh đó, cầu Bình Lợi sau hơn 110 năm khai thác đã bị xuống cấp; chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu thấp nên từng có nhiều va chạm giữa các tàu thuyền khi lưu thông qua cầu Bình Triệu, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đường sắt; tĩnh không thuyền thấp làm hạn chế nhiều đến năng lực vận tải đường thủy qua khu vực này và không đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.
Hiện trạng Cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
Phạm vi nghiên cứu của Dự án từ khu Trảng Bom - Hòa Hưng; khu vực sông Sài Gòn đoạn qua cầu Bình Lợi. Dự án có điểm đầu từ Km1716+600 và điểm cuối tại Km1719+900.
Tại cuộc họp, Tư vấn đề xuất các phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Theo đó, phương án 1A là cải tạo, sửa chữa thành cầu quay; phương án 1B là cải tạo, sửa chữa thành cầu cất; phương án 1C là cải tạo và sửa chữa nâng toàn bộ cầu cũ; phương án 2A sẽ xây dựng mới cầu Bình Lợi (không di dời ga Bình Triệu); phương án 2B sẽ xây dựng mới cầu Bình Lợi và di dơi ga Bình Triệu
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, các phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam được dựa trên nguyên tắc nâng cao an toàn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa khu vực cầu Bình Lợi; đảm bảo giao thông thông suốt cho cả đường sắt và đường thủy trong quá trình khai thác; đảm bảo khả thi về nguồn vốn đầu tư; có tính kế thừa, phù hợp với quy hoạch phát triển đường sắt; phương án thi công phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng công tác chạy tàu hàng ngày trên khu gian Bình Triệu - Hòa Hưng.
Trên cơ sở các phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam mà Tư vấn đưa ra, lãnh đạo các đơn vị dự họp đều cho rằng phương án 2A là phương án đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề về nguồn vốn là rất khó khăn cho nên lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra giải pháp chọn phương án 1C. Phương án này vừa đảm bảo cho đường sắt và cũng ít ảnh hưởng đến đường thủy nội địa. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng như Cục Đường thủy nội địa lại nghiêng về lựa cho phương án 1B là cải tạo, sửa chữa thành cầu cất.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. “Đây là dự án cấp thiết cho việc tổ chức lại giao thông đường thủy và đầu mối đường sắt 2 khu đô thị lớn và phát triển là Bình Dương và TP. HCM” - Thứ trưởng nhấn mạnh
Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn thì việc nghiên cứu chi tiết và đưa ra phương án phù hợp, hiệu quả để giải quyết được các vấn đề trên là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng công ty ĐSVN tiếp tục chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu Dự án trên các nội dung sau: Nghiên cứu chi tiết quy hoạch để có phân tích tính phù hợp với trước mắt và lâu dài; phải phối hợp chặt chẽ nghiên cứu với Dự án Hòa Hưng - Bình Triệu. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty lấy ý kiến của các địa phương về vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và tư vấn phải làm rõ ảnh hưởng của từng phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP. HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đối với đường thủy và đường sắt; đi sâu và phân tích rõ về phương án 1C và phương án 2A.
Kiều Anh