Sáng nay (10/10), tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì.
Họp báo cung cấp thông tin về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào kỳ họp Quốc hội bắt đầu vào cuối tháng 10 tới đây.
“Để cung cấp thêm thông tin cho xã hội về Dự án này, cũng như sẵn sàng trao đổi với báo chí về những vấn đề còn chưa rõ về Dự án, hôm nay, Bộ GTVT đã mời rất nhiều đại diện cơ quan báo chí cũng như các nhà quản lý, chuyên gia cùng trao đổi. Bộ GTVT sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của các cơ quan báo chí” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng mong rằng, trên cơ sở buổi họp báo hôm nay các đồng chí phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, đóng góp cho việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua về chủ trương trong thời gian sắp tới.
Cần thiết xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Giới thiệu về Dự án, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Nguyễn Nguyên Hùng cho biết: Trong vòng 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 13,8% về hành khách (16,7% quốc nội và 11,2 % quốc tế) và 12,9% về hàng hóa (14,7% quốc nội và 12,2% quốc tế).
Thực tế, năm 2013 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 sản lượng hành khách là 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách).
Hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một cảng hàng không nhằm đáp ứng sự quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết, bởi sau 2017 thì Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được nữa.
Cần thiết xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Cùng với đó, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn như Cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi-Thái Lan (100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur-Malaysia (100 triệu hành khách/năm), Changi-Singapore (135 triệu hành khách/năm) đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, nhằm thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm trung chuyển hàng không này, do yếu tố cơ sở hạ tầng hàng không còn là một trong những điểm yếu của Việt Nam.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh và ổn định nhất trên thế giới; đang quản lý điều hành 2 vùng thông tin bay (FIR) Hà Nội và Hồ Chí Minh với những đường hàng không nhộn nhịp bậc nhất; là quốc gia có nền chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu cao; tiềm năng du lịch to lớn; đông kiều bào tại nước ngoài, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển một trung tâm trung chuyển hàng không.
Cũng tại đây, ông Hùng đã có giới thiệu cụ thể về phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn của Dự án; phương án giải phóng mặt bằng; hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án.
Giải đáp nhiều vần đề nóng về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan đã giải đáp trực tiếp nhiều vần đề nóng về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Tuổi trẻ liên quan đến nguốn vốn của Dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết vốn giai đoạn 1 của Dự án là khoảng 165 nghìn tỷ trong đó vốn nhà nước là 84 nghìn tỷ. Ngoài tiền GPMB thì phải xây dựng hạ tầng cơ bản trong đó có hệ thống giao thông phục vụ và sân đỗ. Tuy nhiên các hạ tầng cơ bản là giao thông đi lại và giao thông phục vụ phải dùng đến nguồn vốn nhà nước.
Đối với câu hỏi việc vay vốn ODA có làm tăng nợ công không? Thứ trưởng cho rằng, tác động các khoản vay Dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016- 2019; dự kiến chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022.
Phóng viên đặt câu hỏi về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Nội dung các câu hỏi: Long Thành khi xây dựng xong sẽ trở thành Trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế? Tại sao một dự án lớn như vậy mà trình ra Thường vụ Quốc hội xin chủ trương báo cáo Quốc hội lại chỉ có 30 ngày chứ không phải 60 ngày? Vì sao có sự gấp gáp này; Xây siêu cảng hàng không ở Long Thành, khả năng kết nối hành khách có đáp ứng được nhu cầu?; Khả năng hoàn vốn của Dự án?…. của các phóng viên cũng được các đại biểu dự họp trả lời cụ thể tại buổi họp báo.