Chiều 16/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng có buổi tiếp và làm việc với bà Preeti Saran, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam. Dự buổi tiếp có lãnh đạo Văn phòng Bộ; các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính; Ban PPP; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).
Chiều 16/10, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng có buổi tiếp và làm việc với bà Preeti Saran, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam. Dự buổi tiếp có lãnh đạo Văn phòng Bộ; các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính; Ban PPP; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).
Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp và làm việc với bà Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, bà Đại sứ Ấn Độ đã trao đổi với Bộ trưởng một số vấn đề về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự kiến từ ngày 27/10/2014 – 29/10/2014; việc các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia mua lại Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; tình hình hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo bà Đại sứ, tiếp theo chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam vừa qua, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ lần này là một bước tiến rõ rệt trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Bà Đại sứ và đoàn công tác Ấn Độ trao đổi với Bộ trưởng các vấn đề trong khuôn khổ buổi làm việc
Về việc các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia mua lại Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Quốc lộ 5B), theo báo cáo của VIDIFI, việc nhóm các nhà đầu tư (trong đó có ITNL Ấn Độ) tham gia mua lại Dự án Quốc lộ 5B, hai bên đã ký Bản ghi nhớ để cùng nhau lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận lại Dự án và các quyền, nghĩa vụ liên quan tới Dự án. Theo thông tin từ ITNL, nhóm các nhà đầu tư này đã mua lại 70% sở hữu của VIDIFI tại Dự án QL 5B. Hiện nay, hai bên đang khẩn trương hoàn thiện Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng Dự án nói trên. Hợp đồng nguyên tắc này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Nếu được chấp thuận, VIDIFI sẽ trình Chính phủ cho phép ký Hợp đồng nguyên tắc với các nhà đầu tư trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ vào cuối tháng 10/2014.
Được biết, trong thời gian qua, về hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực giao thông vận tải đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ năm 2012, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng hàng không Jet Airways (Ấn Độ) về vấn đề mở đường bay thẳng tới Ấn Độ. Hiện nay Hãng đang phối hợp với Jet Airways rà soát lại Hợp đồng hợp tác đã thống nhất trước đây để có thể triển khai hợp tác khai thác liên danh và dự kiến sẽ nghiên cứu đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ vào năm 2015. Ngoài ra, để thúc đẩy việc mở đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ, Bộ GTVT cũng đã đề nghị một số hãng hàng không khác của Việt Nam như Vietjet Air, Jetstar Pacific nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Đối với lĩnh vực hàng hải, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVTđã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký “Hiệp định Hàng hải Thương mại“ với Bộ trưởng Bộ Vận tải thủy Ấn Độ G.K.Vasan nhân chuyến thăm của Ngài tới Việt Nam vào ngày 24/5/2013. Hiệp định là cơ sở để thúc đẩy giao lưu hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước đồng thời tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực hàng hải xích lại gần nhau hơn.
Đối với lĩnh vực đường sắt, tại Kỳ họp thứ 13 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ năm 2009, hai bên đã thỏa thuận một số nội dung liên quan đến việc Ấn Độ sẽ cung cấp và xây dựng cơ sở đại tu đầu máy, bảo dưỡng liên hợp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Ấn Độ thực hiện công tác tư vấn cho dự án tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh thuộc tuyến đường sắt xuyên Á nối Việt Nam - Campuchia và nâng cấp thành đường đôi tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến nay hai bên vẫn chưa thực hiện các thỏa thuận này.
Riêng trong lĩnh vực đường bộ, hiện tại hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ mới chỉ dừng ở mức độ tổ chức đoàn học tập, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này và bước đầu triển khai dự án kết nối đường bộ với Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + Ấn Độ.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đã quan tâm, đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải. Bộ GTVT cam kết sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để ITNL cũng như Nhóm các nhà đầu tư có thể hoàn thiện thủ tục mua lại Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng một cách sớm nhất, góp phần đưa dự án vào khai thác đúng tiến độ. Bộ trưởng cũng hy vọng trong thời gian nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của bà Đại sứ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước để xứng với tiềm năng quan hệ hai nước.
Cũng tại buổi tiếp, bà Đại sứ đã cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ trưởng trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực giao thông vận tải và mong muốn một số hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ được ký kết trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian tới.
Phùng Trọng