'Thi tuyển lãnh đạo ở Bộ GTVT như cánh én báo hiệu mùa xuân'

Thứ hai, 03/11/2014 20:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 3/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ với báo chí xung quanh cơ chế lựa chọn người tài hiện nay ở Việt Nam.

Ngày 3/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ với báo chí xung quanh cơ chế lựa chọn người tài hiện nay ở Việt Nam.

- Thưa ông, hiện nay chúng ta cũng bàn luận rất nhiều đến việc lựa chọn người có tài năng để phục vụ đất nước. Vậy, chúng ta có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Phạm Thịnh)

Ông Nguyễn Sỹ Dũng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Phạm Thịnh)

Vấn đề đổi mới sử dụng cán bộ, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của nhiều nước. Ở nhiều nước, người ta chọn những người có kinh nghiệm ngoài xã hội để tuyển trở lại vào những cơ quan nhà nước.

Tôi lấy ví dụ: Các thẩm phán tài giỏi của Mỹ đều xuất phát từ những luật sư giỏi. Trước khi làm thẩm phán, họ là những luật sư giỏi, có danh tiếng, được xã hội thừa nhận.

Như vậy, một trong những yếu tố đổi mới đó là nền tảng tư duy phải đổi mới. Chúng ta không được đóng khung cơ chế để xảy ra tình trạng một người nào đó may mắn được tuyển vào thì cứ ở vị trí đó mãi mãi.

- Tuy nhiên, cùng là là công chức nhưng lại có những vị trí khác nhau thì liệu có cần phải có những cơ chế đánh giá khác nhau không thưa ông?

Chúng ta cũng cần phải phân định được các loại lao động. Các chính khách tuyển theo kiểu khác, người làm công vụ thì tuyển theo kiểu khác.

Nếu tuyển người làm công vụ thì phải đáp ứng được chuyên môn. Tôi ra một bài toán về chuyên môn, nếu anh làm được thì sẵn sàng được tuyển vào.

Đối với một chính khách, tiêu chuẩn đặt ra là phải hiểu được lòng dân, đưa ra được ưu tiên của đất nước và phải dẫn dắt được quần chúng.

Vì vậy, đối với những đối tượng khác nhau chúng ta phải tuyển chọn theo những cách khác nhau với hệ thống thang bậc lương khác nhau. Còn nếu chỉ có một thang bậc lương cho tất cả, cơ chế tuyển chọn như vậy thì không thể giải quyết được vấn đề này.

- Dường như ở Việt Nam từ trước tới nay chỉ có trường hợp ông Trương Văn Phước trước đây làm công chức, sau đó ra ngoài để làm doanh nhân rồi lại quay trở lại ở cương vị Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Làm sao chúng ta có thể có thêm nhiều những trường hợp như thế?

Hiện nay, hệ thống cán bộ của mình tương đối khép kín về tổ chức. Việc thi tuyển công chức vẫn theo chiều dọc để lên.

Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần phải tách chính trị ra khỏi công vụ. Chế độ trách nhiệm chính trị là người đó phải có được tín nhiệm của Quốc hội, của nhân dân.

Chế độ trách nhiệm công vụ là người đó phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng.

Chúng ta hãy dành cho người thủ trưởng quyền chọn người. Tôi ví dụ khi một cán bộ được giao trách nhiệm về giao thông tại Hà Nội thì để xảy ra bất kỳ việc gì thì người đó phải đứng ra chịu. Người đó cũng có quyền được lựa chọn cấp phó cho mình.

Ví dụ các tập đoàn nước ngoài cũng chỉ lựa chọn người giỏi nhất để đảm nhận vị trí tổng giám đốc, còn cấp phó lựa chọn như thế nào sẽ do vị tổng giám đốc chịu trách nhiệm.

Nếu chúng ta làm như vậy thì người được giao trách nhiệm cũng sẽ lựa chọn được người tài để sử dụng. Nếu không chọn được người tài thì người đó có thể mất chức.

- Hiện nay, dư luận đánh giá rất cao cơ chế thi tuyển các chức danh lãnh đạo ở Bộ GTVT. Vậy cần có cơ chế gì để phát triển điều này, thưa ông?

Thực chất cố gắng của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng rất đáng được hoan nghênh. Đó như một con chim én, báo hiệu một mùa xuân mới của một nền quản trị minh bạch hơn để lựa chọn người tài.

Điều này tốt bởi vì tính công khai minh bạch và thi cử cạnh tranh để lựa chọn được người tài.

Khi tôi nói chuyện với cụ Võ Văn Kiệt, cụ đã nói một câu khiến tôi rất thấm thía đó là : “Lãnh đạo giỏi là người chọn đúng người tài”. Cụ nói rất thẳng thắn như vậy.

Nếu tất cả những người giỏi của đất nước Việt Nam được đảm nhận công việc đúng với khả năng thì đất nước sẽ thăng hoa trong chốc lát.

Nhưng làm sao có thể chọn được người tài nếu không có thi tuyển, không có cạnh tranh? Nếu không, sẽ có trường hợp người giỏi chạy chọt lại có thể có những vị trí cao.

Vì vậy, chúng ta cần thấy rằng việc thi tuyển ở Bộ GTVT là một đột phá về cải cách thể chế. Tôi cho rằng, việc cải cái thể chế để lựa chọn được người tài là điều quan trọng nhất.

Trong 90 triệu dân Việt Nam có rất nhiều người giỏi. Nhiều người đã từng học, làm việc thành đạt ở những nước phát triển ở Châu Âu, Mỹ.

Số người đó không phải là ít nhưng các quy định của chúng ta khá chặt chẽ bởi vì còn có các quy định của Đảng về nhân sự. Vì vậy, việc làm của Bộ trưởng Thăng rất quyết đoán. Những cố gắng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận cho nền quản trị của chúng ta.

Bộ GTVT chọn lãnh đạo qua thi tuyển (trong ảnh là phòng thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Ảnh: Đình Thắng

Bộ GTVT chọn lãnh đạo qua thi tuyển (trong ảnh là phòng thi tuyển
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Ảnh: Đình Thắng

- Nhưng có thực tế hiện nay là Bộ trưởng cũng không có quyền trong việc bổ nhiệm lãnh đạo các Sở ở địa phương?

Bởi vì mình theo mô hình song trùng trực thuộc của nhà nước Xô Viết trước kia. Đó là lãnh đạo các Sở vừa trực thuộc Bộ quản lý, vừa trực thuộc địa phương. Địa phương định bổ nhiệm thì cũng xin ý kiến của bộ chủ quản nhưng còn liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ của Đảng. Về mặt Đảng thì địa phương khống chế hết. Vì thế, đương nhiên quyền sẽ rơi vào địa phương.

Nếu quyền thuộc về địa phương thì chúng ta cần đẩy mạnh cải cách để trách nhiệm cũng sẽ phải thuộc về địa phương.

- Trường hợp ở Bộ Tư pháp thi tuyển chức danh Phó giám đốc Học viện Tư pháp thì chỉ có 2 ứng viên. Như vậy, tỷ lệ này liệu có hợp lý?

Chúng ta nên ủng hộ những cố gắng bước đầu như vậy. Trong điều kiện thể chế của chúng ta có những ràng buộc thì những người làm đầu khó có sự hoàn hảo, mỹ mãn. Đó cũng là sự khởi động để thoát khỏi vũng lầy của sự trì trệ.

- Đứng từ góc độ tuyển chọn nhân tài, ông có lý giải gì về hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn còn nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ rằng vấn đề đầu tiên phải kể đến tâm lý thích làm quan của người Việt. Từ xưa đến giờ, việc làm quan được coi là một trong những tiêu chí thể hiện sự thành đạt trong cuộc sống. Chúng ta phải thoát được tâm lý đó.

Chúng ta thấy như ở Mỹ, người giàu có như Bill Gates có thể không phải làm quan chức nhưng được coi trọng không thua gì những quan chức. Nhưng ở Mỹ, hệ thống giá trị đã thay đổi.

Còn ở Việt Nam, dù anh có giàu như Phạm Nhật Vượng thì chắc gì đã được đánh giá cao hơn một bộ trưởng.

Bên cạnh đó, hệ thống khuyến khích không thay đổi thì không ai dại gì đi làm thợ. Bởi vì làm thầy thì thu nhập cao hơn làm thợ.

Vì vậy, tôi cho rằng nếu không thay đổi hệ thống khuyến khích thì việc yêu cầu người ta bỏ thầy đi làm thợ là việc rất khó. Đến mình, mình cũng không làm việc đó.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: VTC News

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)