Sáng 6/11, Bộ GTVT tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã tới dự và phát biểu tại buổi Lễ công bố.
Sáng 6/11, Bộ GTVT tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã tới dự và phát biểu tại buổi Lễ công bố.
Phát biểu tại buổi Lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản đối với Việt Nam trong thời gian qua. Nhằm thúc đẩy và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi Lễ công bố
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ngành Công nghiệp đóng tàu Việt Nam bị chững lại. Bộ Chính trị đã chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thu gọn mô hình tổ chức, bộ máy, thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), một đơn vị chiếm đến 70% sản lượng đóng tàu của Việt Nam.
“Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu, chúng ta sẽ triển khai với quy mô trong cả nước, trong đó Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ là đơn vị nòng cốt. Tôi hy vọng rằng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ triển khai trên cơ sở Chương trình hành động cũng như sự trợ giúp của các bộ, ngành liên quan thành công” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, mục tiêu đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện Chiến lược kinh tế biển; tập trung vào sản xuất một số sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu với chất lượng cao.
Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Văn Thạch công bố Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu
Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành đạt 5 - 10%, dành 70 - 80% năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu đóng tàu các loại ở trong nước, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (trừ một số loại tàu như tàu ngầm, tàu tuần dương hạm, tàu chiến đấu đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao); từ 3 - 10% dành cho xuất khẩu; số lượng tàu xuất khẩu dự kiến 1,67 - 2,16 triệu tấn/năm.
Kế hoạch hành động đưa ra 5 nhiệm vụ gồm: tái cơ cấu hệ thống nhà máy đóng tàu cả nước hiện có theo hướng sử dụng tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã có; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu; phát triển thị trường tiêu thụ tàu và dịch vụ sửa chữa tàu trong nước và xuất khẩu; đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế cho tất cả các cấp; xây dựng năng lực R&D (nghiên cứu và phát triển), phục vụ cho ba cụm liên kết ngành ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Cụ thể, trong quý IV/2014, Bộ GTVT sẽ chủ trì triển khai hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu và xây dựng một số ít các doanh nghiệp cốt lõi; hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển ngành đóng tàu trong giai đoạn 2015 - 2020; thiết lập đối tác chiến lược giữa các nhà đầu tư tiềm năng vào các doanh nghiệp đóng tàu nhằm xây dựng và củng cố quan hệ cung ứng - hợp tác, hình thành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu, xác định một số gam tàu có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Xuân Nguyên