Tăng cường nhiều biện pháp quản lý vận tải và kinh doanh vận tải

Thứ hai, 01/12/2014 17:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 01/12, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì họp báo tuyên truyền Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ về bổ sung Nghị định số 171/2013/NĐ-CP (Nghị định 171); Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014; Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT nhằm tăng cường nhiều biện pháp quản lý vận tải và kinh doanh vận tải.

Tham dự có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt - Bộ Công an, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Lào Cai cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí thông tấn Trung ương, ngành GTVT.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại họp báo

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giới thiệu sơ lược về Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 và Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Thứ trưởng khẳng định, trong thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã cùng các Bộ, Ngành liên quan rà soát lại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP giải quyết những bất cập trong xử lý vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Sau một thời gian dài soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, ngày 17/11/2014, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CP, nhân dịp này, Bộ GTVT tổ chức công bố các nội dung của Nghị định đồng thời giới thiệu về Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014; Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Thứ trưởng mong rằng, sau họp báo, các phóng viên sẽ tiếp tục tuyên truyền giúp Bộ các nội dung nói trên để người dân biết, nhận thức và ủng hộ cũng như thực hiện nghiêm các quy định mới, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã trình bày nội dung cơ bản của Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 và Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Theo đó, Nghị định số 107/2014/NĐ-CP có một số nội dung cơ bản thay đổi sau: Tăng nặng mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép, cụ thể bổ sung khoản 8, 9 và 10 thay thế điểm h, k tại khoản 5 của Điều 30 Nghị định 171; Tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi xếp hàng hóa lên xe; Giảm thời gian tước Giấy phép lái xe (Giảm áp lực đối với người lái xe khi vi phạm quy định ở mức độ chưa đến mức nghiêm trọng để có cơ hội sửa sai và bảo đảm quyền lợi cho người lao động); Bên cạnh việc giảm thời gian tước Giấy phép lái xe, đối với hành vi cố tình vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải phương tiện ở mức nghiêm trọng, Nghị định 107 đã bổ sung mức xử phạt tăng nặng đối với người lái xe vi phạm; Quy định buộc phải điều chỉnh thùng xe nếu tái phạm chở quá tải trọng cho phép.

Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013; Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 và bổ sung nhiều nội dung mới để tăng cường công tác quản lý vận tải, cụ thể một số nội dung như sau: Tăng cường đảm bảo ATGT đối với xe khách giường nằm 2 tầng, tại điểm d khoản 3 Điều 4; Quy định về khoang chở hành lý (điểm đ khoản 3 Điều 4); Bổ sung nội dung quy định về tập huấn (Điều 7); Quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách được quy định tại Điều 12 của Thông tư 63/2014/ TT-BGTVT; Bổ sung làm rõ đối với việc Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định để thổng nhất quản lý; Quy định về tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách (khoản 1 Điều 19): Để làm rõ các đối tượng phương tiện được phép tham gia vào tăng cường vận chuyển hành khách tuyến cố định, tạo điều kiện cho các địa phương huy động khi có nhu cầu sử dụng xe tăng cường; Quy định về lái xe phải chịu trách nhiệm trong việc xếp hàng lên xe phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định (khoản 3 Điều 24); Các tỉnh, thành phố được chủ động trong công tác quản lý hoạt động của xe taxi thông qua quy định cấp phù hiệu cho xe taxi; Quy định về xe ô tô vận tải người nội bộ; Quy định về đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc một trong các đối tượng sau đây (khoản 1 Điều 50); Các xe kinh doanh vận tải hành khách phải niêm yết khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định…

Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: Danh mục dịch vụ kê khai giá cước và sự đổi mới về quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính.

Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng thông báo kết quả  xử lý vi phạm trong việc tổ chức và quản lý hoạt động vận tải sau vụ tai nạn tại Lào Cai. Cụ thể: Ngày 01/9/2014, tại km122+800 trên tuyến quốc lộ 4D (đoạn Tòng Sành - Dốc 3 tầng) thuộc địa bàn xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 14 người và làm bị thương nhiều người do xe ô tô chở khách giường nằm mang biển kiểm soát 29B-085.82 của Công ty TNHH TM và DV Minh Thành Phát có trụ sở chính tại Thành phố Lào Cai và chi nhánh tại Hà Nội gây ra.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cứu hộ cho người bị nạn, đồng thời yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Lào Cai có văn bản báo cáo nhanh về tình hình tai nạn và nguyên nhân tai nạn có liên quan đến công tác quản lý hoạt động vận tải.

Ngày 03/9/2014, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 10924/BGTVT-VT yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Lào Cai thu hồi có thời hạn Giấy phép kinh doanh vận tải của Công ty TNHH TM và Dịch vụ Minh Thành Phát và Chi nhánh Công ty để phục vụ công tác điều tra. Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát đã bị đình chỉ hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ khi xảy ra tai nạn đến nay; đồng thời cơ quan Công an tỉnh Lào Cai có quyết định khởi tố vụ án và hiện đang điều tra làm rõ.

Đông đảo phóng viên tham dự họp báo

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và Lào Cai tăng cường phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ việc đồng thời kiểm tra điều kiện kinh doanh và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, chấn chỉnh hoạt động sau vụ tai nạn của Công ty TNHH Minh Thành Phát. Ngày 28&29/10/2014, Sở GTVT thành phố Hà Nội và  Sở GTVT Lào Cai đã có báo cáo về kết quả kiểm tra và đề xuất cho phép Công ty TNHH TM&DV Minh Thành Phát và Chi nhánh Công ty TNHH TM&DV Minh Thành Phát khôi phục lại hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Để đảm bảo xử lý nghiêm vi phạm nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tổ chức kinh doanh vận tải sau khi đã chấp hành hình thức xử lý vi phạm đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, cơ quan điều tra vụ án, Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, các Sở GTVT và  việc chấp hành hình thức xử lý vi phạm, công tác chấn chỉnh sau vi phạm của doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Lào Cai kiểm tra nếu Công ty TNHH TM&DV Minh Thành Phát và Chi nhánh Công ty TNHH TM&DV Minh Thành Phát đủ điều kiện kinh doanh vận tải thì cấp lại giấy phép kinh doanh theo thẩm quyền.

Tại họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề: Kết quả điều tra vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai và việc quản lý hoạt động xe khách hợp đồng trong thời gian tới; Các chế tài quy định cũng như xử phạt đối với loại hình taxi “uber” mới xuất hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua… Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lần lượt giải đáp tất cả các câu hỏi của phóng viên./.

KC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)