Trước nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào, ngày 5/12, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký Công văn số 15507/BGTVT-CYT gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch hạch.
Chủ động giám sát phòng, chống dịch hạch (ảnh minh họa)
Theo đó, thực hiện Công văn số 1350/DP-DT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch hạch. Để chủ động phòng chống không để bệnh dịch hạch lan truyền vào Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dịch hạch cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Ngành GTVT, hành khách đi trên các phương tiện giao thông và nhân dân. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và xắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho, trong cơ quan, xí nghiệp một cách hợp lý; quản lý thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cảng biển đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào nước ta, tổ chức tiêu diệt chuột trên các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang có dịch hạch lưu hành nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch hạch để có phương án và biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan dịch trên diện rộng.
Cục Y tế Giao thông vận tải có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch hạch; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch hạch; tổ chức tập huấn cho cán bộ Y tế Ngành GTVT về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trên người và động vật, phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, các Bệnh viện, Trung tâm y tế chuyên ngành, Phòng khám đa khoa Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; đảm bảo việc chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị có hiệu quả ngay khi có ca bệnh đầu tiên; củng cố hệ thống phòng xét nghiệm xác định vi khuẩn, phát hiện sớm mầm bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết khác để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; củng cố đội thường trực cơ động phòng, chống dịch để sẵn sàng đi điều tra, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực dịch 24/24h, trực cấp cứu; thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, xử lý các vật dụng.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo kết quả triển khai thực hiện (Qua Cục Y tế Giao thông vận tải. Địa chỉ: 73 Yên Ninh, quận Ba Đình, Hà Nội) để tổng hợp báo cáo.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên, bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho. Ở nước ta ca bệnh mắc gần nhất được ghi nhận vào tháng 08/2002 tại Đắk Lắk. Mặc dù sau 12 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc dịch hạch, nhưng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta là rất lớn.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trước đó Cơ quan đầu mối IHR của Mỹ thông báo ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado (trong đó 03 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và một trường hợp không rõ triệu chứng) và ủy Ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cũng đã thông báo ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).
VH