Đây là khẳng định của Bộ trưởng Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2014 được tổ chức tại Hà Nội, hôm nay 27/12.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 2. Đồng thời hoan nghênh 80 nhà khoa học gửi bài tham gia và 42 bài đã được chọn để trình bày tham luận và 20 bài đã được hội đồng khoa học lựa chọn để công bố thành công trình khoa học trên Tạp chí GTVT.
Thay mặt đồng chí Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng đánh giá cao những công trình nghiên cứu khoa học, những đề xuất mới và những kết quả ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành là thành viên của Uỷ ban, Ban ATGT các địa phương quan tâm tiếp thu những kết quả nghiên cứu tại Hội nghị để triển khai ứng dụng trong công tác bảo đảm ATGT ngay từ năm 2015 và các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia
Phát biểu kết luận Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2014
Đối với những đề xuất và kiến nghị tại Hội nghị, Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam về việc Xây dựng Đề án tổng thể về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm TTATGT; Bộ trưởng giao Văn phòng UBATGT Quốc gia tham mưu thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án; lập dự án thí điểm xã hội hoá đầu tư hệ thống công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý vi phạm trên một số tuyến Quốc lộ trọng điểm, trước hết là nghiên cứu khả năng triển khai tiếp Dự án ứng dụng camera giám sát trong xử phạt vi phạm hành chính đường bộ của Cục CSGT; giao Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với FPT và các Bộ, ngành liên quan để triển khai.
Đối với những kết quả nghiên cứu trình bày tại Hội nghị, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu những kết quả nghiên cứu về hằn lún vệt bánh xe, giải pháp thiết kế an toàn giao thông kết cấu hạ tầng giao thông, phương pháp đánh giá tác động của xe tải nặng đến kết cấu mặt đường, đánh giá điểm đen TNGT và các giải pháp thiết kế điểm dừng xe buýt an toàn, thiết kế hạ tầng tiếp cận cho người khuyết tật, phương pháp cắm biển báo trên đường bộ... để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và các quy định pháp luật có liên quan; nghiên cứu ứng dụng giải pháp quản lý dữ liệu tập trung các thiết vị giám sát hành trình xe ô tô.
Bộ trưởng giao Cục Đăng kiểm Việt Nam, tiếp thu những kết quả nghiên cứu về giảm tác động ô nhiễm môi trường của xe cơ giới đường bộ, quản lý xe bốn bánh chạy điện, mô tô, xe máy tham gia giao thông; an toàn kỹ thuật xe máy điện, xe đạp điện... để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ.
Bộ trưởng giao Văn phòng UB ATGT Quốc gia phối hợp với các cơ quan của các Bộ: Khoa học Công nghệ, Công thương, Văn hoá Thể thao và Du Lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ An toàn giao thông của Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu các kết quả nghiên cứu về sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy, hành vi tham gia giao thông, văn hoá tham gia giao thông, giáo dục ATGT trong trường học... trong xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các tiêu chí văn hoá giao thông.
Văn phòng UB ATGT Quốc gia phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ An toàn giao thông tiếp thu những kết quả nghiên cứu về mô hình, cơ cấu tổ chức và chất lượng nguồn nhân lực về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các nội dung của Quyết định 57/QĐ-TTg về kiện toàn cơ cấu tổ chức của Uỷ ban ATGT Quốc gia và ban ATGT cấp tỉnh.
Thay mặt đồng chí Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng
đánh giá cao những công trình nghiên cứu khoa học, những đề xuất mới
và những kết quả ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT
Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG cũng yêu cầu Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh) tiếp thu những đề xuất về hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ trước bệnh viện, công tác khám sức khoẻ cho người lái xe, phòng chống lạm dụng rượu bia... để sửa đổi, bổ sung các đề án đầu tư phát triển hệ thông sơ cứu TNGT trên mạng lưới y tế cơ sở và các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống lạm dụng rượu bia và quản lý giám sát chất lượng khám sức khoẻ cho lái xe.
Bộ trưởng đồng ý với đề xuất về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ do các tiểu ban đã đề xuất.; giao Tổng thư ký diễn đàn xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Diễn đàn An toàn giao thông Việt Nam giai đoạn 2015-2020; xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, địa chỉ ứng dụng và nguồn kinh phí thực hiện từng năm; chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia tài trợ và đồng hành thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Để triển khai thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc UBATGTQG, Bộ GTVT và đơn vị cá nhân có liên quan tiếp thu, nghiên cứu và chọn lọc những nội dung phù hợp từ Hội nghị để đưa vào chương trình hành động của đơn vị mình trong thời gian sớm nhất. Các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp, tạo điều kiện thực hiện các giải pháp trên qua đó khai thác tối đa lợi ích các kết quả từ Hội nghị.
Bộ trưởng nhất trí với chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong công tác đảm bảo ATGT. Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ chủ động phối hợp với các nhà khoa học chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau, khuyến khích các doanh nghiệp tập đoàn có liên quan đầu tư phát triển nghiên cứu và đầu tư vào nhân tố con người về ATGT, áp dụng hình thức hợp tác công tư trong nghiên cứu ứng dụng ATGT khi có thể ; có cơ chế linh hoạt hơn và đãi ngộ xứng đáng hơn đối với việc đăng ký, triển khai áp dụng các đề tài nghiên cứu; hỗ trợ triển khai công tác bảo hộ bản quyền với sáng kiến phát minh có đóng góp tới công tác đảm bảo ATGT nói riêng và GTVT Việt Nam nói chung.
Bộ trưởng đề nghị Diễn đàn ATGT Việt Nam, sau Hội nghị này, tiếp tục tổ chức các hoạt động chuyên môn thường xuyên đối với các Tiểu ban, tiếp tục đi sâu giải quyết các vấn đề bức xúc từ thực tế. Hội nhập Quốc tế sâu rộng hơn đối với toàn bộ các lĩnh vực chuyên môn của từng Tiểu ban.
X.N