Ngày 08/01, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 223/BGTVT-QLXD gửi các Vụ, Tổng cục, Cục và các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, phổ biến và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTG ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, yêu cầu các đơn vị được giao làm Chủ đâu tư, Ban Quản lý dự án, Bên mời thầu đặc biệt lưu ý cân thực hiện tốt các nội dung sau:
a) Đối với các gói thầu chưa phát hành hồ sơ mời thầu:
- Đưa tiêu chuẩn đánh giá chi tiết phù hợp với yêu cầu của gói thầu vào hồ sơ mời thầu để tạo sự minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đầy đủ về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
b) Đối với các gói thầu đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng:
Dự báo đối với rủi ro về tỷ giá trong trường hợp nhà thầu chào các chi phí liên quan đến việc thực hiện gói thầu bằng đồng tiền ngoại tệ, đặc biệt không cùng loại với đồng tiền thanh toán của nhà tài trợ. Trong hợp đồng phải quy định rõ nguồn chỉ số giá, phương pháp, cách thực tính giá trị tương đương, tỷ giá quy đổi. Có biện pháp kiểm soát rủi ro liên quan đến sự biến động của tỷ giá ngoại tệ trong hợp đồng.
- Quy định rõ công thức tính trượt giá đối với hàng hóa (vật tư, thiết bị, vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu) mua trong nước, hàng hóa mua từ nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Đồng thời nêu rõ cách thức xử lý trong trường hợp có những phát sinh do trượt giá mà chưa có công thức tính.
- Trong quá trình đàm phán hợp đồng, nếu nhà thầu có đề xuất khác so với hồ sơ mời thầu, cần xem xét tính hợp lý để đưa ra quyết định nhưng phải bảo đảm về chất lượng, tiến độ và giá cả theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
c) Đối với các gói thầu đang thực hiện hợp đồng:
- Thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm hợp đồng đối với các hành vi chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng vật tư, thiết bị, công trình... Thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật Đấu thầu Số 43/2013/QH13.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức rà soát các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không đáp ứng tiên độ bàn giao mặt bằng như trong thỏa thuận hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyên để có phương án xử lý kịp thời.
- Phân cấp rõ trách nhiệm giữa Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ, Ban Quản lý dự án có thể đại diện Chủ đầu tư để thực hiện một số công việc của Chủ đầu tư nhưng phải có giấy ủy quyền của Chủ đầu tư hoặc phải có văn bản quy định phân cấp cho Ban Quản lý dự án thực hiện các công việc cụ thể.
Yêu cầu các đơn vị được giao làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bên mời thầu tiến hành rà soát, kiểm điểm những tồn tại trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký hợp đồng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian vừa qua và đề ra những giải pháp khắc phục triệt để. Các đơn vị lập báo cáo các nội dung yêu cầu nêu trên và gửi về Bộ Giao thông vận tải (qua Cục QLXD & CL CTGT) trước ngày 31/01/2015.
Chi tiết xem tại đây
DT