Đó là yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 vừa tổ chức sáng nay (13/1).
Chủ tịch Ủy ban ATGT QG, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương
biến nhận thức thành hành động để giảm TNGT trên tất cả các lĩnh vực
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các địa phương đóp góp và kiến nghị tại Hội nghị trực tuyến này.
Trả lời các kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo các ngành, các địa phương, liên quan đến thi công QL1, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội - Cần Thơ và đường HCM qua Tây Nguyên trong năm nay nên toàn bộ công trường sẽ thi công suốt trong dịp Tết Âm lịch sắp tới.
“Đề nghị các địa phương cùng chia sẻ với Ngành Giao thông vận tải để phối hợp công tác đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận. Các tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn trong thi công cũng như ATGT cho người và phương tiện trong lúc giải phóng mặt bằng và thi công. Đồng thời các tỉnh Bình Định, Phú Yên… nhanh chóng bàn giao hết mặt bằng Dự án cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ Dự án”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định để làm tốt hơn công tác kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ hạ tầng giao thông thì toàn bộ các tuyến BOT sẽ được đặt trạm cân.
Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBATGT QG cũng nhấn mạnh tất cả xe vi phạm đều bị phạt và buộc quay đầu hạ tải, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an xem xét xử lý hành vi này là hành vi cố tình phá hoại tài sản quốc gia đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Việc nâng cấp, sửa chữa hay làm mới hạ tầng giao thông là để phục vụ các nhu cầu cấp thiết của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội chứ không thể có chuyện làm đường cho phù hợp đối với xe quá tải", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG Đinh La Thăng đề nghị các cấp, ngành
hành động với mục tiêu tính mạng con người là trên hết
“Nếu mỗi địa phương đều làm tốt việc xử lý xe quá tải và nỗ lực hoàn thành các kế hoạch đảm bảo TTATGT với đúng chủ đề của Năm ATGT 2015 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” thì chắc chắn TNGT trong năm nay sẽ giảm, kỷ cương phép nước được duy trì”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và cho rằng đây là cơ sở hoạch định các chủ trương, chính sách các biện pháp cần thiết bên cạnh ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để biến nhận thức thành hành động nhằm đảm bảo TTATGT và giảm TNGT trên tất cả các lĩnh vực như đường thủy, bộ, sắt, và hàng không.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc Gia Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và nhân dân khiến công tác này đạt được con số rất ấn tượng. Đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban ATGT QG.
Toàn cảnh Hội nghị
Phó Thủ tướng nói: "Lần đầu tiên giảm số người chết dưới 9.000 quả là thành công rất lớn bên cạnh việc giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Đặc biệt có nhiều tỉnh giảm trên 20%".
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận năm 2014 nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATGT cũng đã được hoàn thiện trong thời gian ngắn; Các lực lượng TTKS rất quyết liệt; nhiều địa phương kiểm soát tải trọng phương tiện chặt chẽ mang lại hiệu quả cao; Hạ tầng được Bộ GTVT và các địa phương trên cả nước chú ý đầu tư tốt, nhất là 2 tuyến quan trọng là QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Chủ tịch UBATGT QG cũng đánh giá cao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm được TNGT và giảm ùn tắc giao thông; Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tại các tỉnh làm rất quyết liệt và kịp thời.
Bên cạnh việc đánh giá cao các việc các ngành, các cấp đã đạt được trong công tác đảm bảo ATGT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các hạn chế cần phải khắc phục. Đó là nhìn tổng thể, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra; TNGT ở các vùng nông thôn cũng phức tạp; nhiều hành động uy hiếp an toàn hàng không mới xảy ra; một số văn bản chậm ban hành như Thông tư quy định sức khỏe lái xe; công tác tổ chức giao thông còn bất cập, bến bãi đón trả khách còn thiếu; hiện tượng tiêu cực trong đăng kiểm vẫn còn tồn tại ...
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ năm 2015 cần triển khai để đảm bảo ATGT và kiềm chế TNGT theo chủ đề Năm ATGT của Ủy ban ATGT QG. “Các cấp ngành phải biến điều này thành hành động. Tất cả các tỉnh phải giảm từ 5 – 10% số người chết do TNGT. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không được chủ quan, tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Từng bộ và địa phương phải lập kế hoạch cụ thể, rõ trách nhiệm người đứng đầu đảm bảo ATGT. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT, trước mắt ứng dụng trong điều hành vận tải để giám sát chặt chẽ. Giao Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu áp dụng ngay trên các tuyến đường quan trọng.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT, nhất là các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy.
Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.
Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp làm ngay việc phân bổ kinh phí đảm bảo ATGT cho các địa phương. Bộ GTVT tăng cường thanh tra kiểm tra người thực thi công vụ, đào tạo sát hạch GPLX, vận tải... Nâng cao chất lượng các công trình giao thông. Thi công phải đảm bảo an toàn.
Các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe chở quá tải trọng, của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ.
Tiếp tục nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian qua và nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị.
“Trong dịp Tết Âm lịch và mùa lễ hội sắp tới, các Bộ và địa phương phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ để đảm bảo ATGT và hạn chế TNGT như bố trí đủ năng lực vận tải, phương tiện an toàn, không để bất cứ người dân nào không được ăn Tết với gia đình vì thiếu tàu, xe. Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các địa phương tiếp tục chỉ đạo, công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân”, Chủ tịch Ủy ban ATGT QG, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
H.Lâm – D.Toàn