Sáng nay (11/3), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt. Lãnh đạo các Vụ Kế hoạch - Đầu tư, PPP, Tài chính, An toàn giao thông, Kết cấu hạ tầng giao thông, Hợp tác quốc tế; Cục Đường sắt VN, Tổng cục Đường bộ VN; Trung tâm CNTT… cùng dự họp.
Theo báo cáo của Cục Đường sắt VN, Đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt có phạm vi nghiên cứu tập trung vào công tác tổ chức khai thác vận tải trên mạng đường sắt quốc gia hiện có để đề ra giải pháp đồng bộ thực hiện Tái cơ cấu vận tải đường sắt thiết thực và hiệu quả cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung vào các nội dung đánh giá thực trạng về mô hình khai thác hiện tại bao gồm công tác tổ chức, quản lý khai thác vận tải trên tuyến đường sắt hiện hữu; đánh giá về công tác đầu tư các phương tiện vận tải; đánh giá về thể chế chính sách để tìm ra các nội dung bất cập chưa khuyến khích được vận tải phát triển, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác.
Đề án có mục tiêu tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng
đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình
Mục tiêu cả Đề án là tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình; vận tải hành khách cự ly trung bình và hành khách công cộng tại các thành phố lớn, tăng thị phần vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu và vận tải hành khách công cộng tại TP. Hà Nội và TP. HCM; phát triển phương tiện đường sắt theo hướng hiện đại, công suất hợp lý, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả; giảm giá thành, giá cước vận tải đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh lành mạnh với các loại hình vận tải khác; phát triển vận tải đa phương thức, logistics kết nối vận tải đường sắt với phương thức vận tải khác.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng vận tải đường sắt cũng như phân tích bối cảnh và thách thức với vận tải đường sắt trong giai đoạn hiện nay, Báo cáo đưa ra 7 nhóm giải pháp thực hiện tái cơ cấu vận tải đường sắt. Cụ thể, nhóm giải pháp về hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành vận tải; tăng năng lực thông qua và thị phần vận tải; nâng cao tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ; giảm giá cước vận tải; giải pháp về xây dựng cơ chế, thể chế liên quan đến tái cơ cấu vận tải đường sắt; nhóm giải pháp phát triển các phương thức vận tải đa phương thức, logistics; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư khai thác lĩnh vực vận tải đường sắt, nhất là đối với các tuyến đường sắt còn thừa năng lực và phải bù lỗ.
Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo các đơn vị dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của Cục Đường sắt VN trong công tác xây dựng các đề án và văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt.
Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng Đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt phải mang tính thực tiễn để triển khai thực hiện; tránh lặp lại nhưng vấn đề mà các đề án khác đã đề cập; các giải pháp đưa ra trong Đề án phải được chi tiết hóa, đưa ra được các giải pháp chung để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể…
Về tiến độ xây dựng, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt VN tiếp thu ý kiến của đơn vị; Vụ Vận tải rà soát lại để hoàn thiện Đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt trong tháng 3/2015.
K.A