Sáng nay (19/3), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Ngài Simmon Bridges, Bộ trưởng Giao thông New Zealand đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ New Zealand.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Giao thông New Zealand Simmon Bridges
ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa hai nước
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước New Zealand về vận chuyển hàng không được ký ngày 07/10/2003. Hiệp định sửa đổi được hai bên ký kết hôm nay bao gồm: Sửa đổi Điều 6 theo hướng quy định cụ thể các nguyên tắc và quy trình tham vấn giữa hai Bên khi phát hiện ra hãng hàng không không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của ICAO về an toàn hàng không và công nhận bằng và chứng chỉ có liên quan đến an toàn hàng không do bên kia cấp.
Sửa đổi Điều 7 theo hướng đưa ra các quy định cụ thể đối với việc các Bên cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm an ninh hàng không, chống các hành vi can thiệp bất hợp pháp, phù hợp với các Công ước đa phương liên quan mà các Bên đã tham gia ký kết; quy định trách nhiệm của mỗi bên nhằm đảm bảo các biện pháp an ninh cần thiết cho chuyến bay của Bên kia trong lãnh thổ mình; quy định các hãng hàng không phải tuân theo các quy định đối với an ninh do Bên kia đề ra khi bay trong lãnh thổ quốc gia đó; trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau khi có các can thiệp an ninh bất hợp pháp, quy định việc trao đổi ý kiến giữa hai Bên khi có một Bên phát hiện Bên kia đã đi chệch ra khỏi các quy định về an ninh hàng không chung.
Sửa đổi Điều 10 theo hướng nới lỏng việc kiểm soát giá cước vận chuyển hàng không quốc tế; giá cước không yêu cầu phải đệ trình và có hiệu lực ngay. Nhà chức trách chỉ can thiệp khi phát hiện các hành động bất thường gây ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh như mức giá quá cao, quá thấp hoặc có trợ giá từ Chính phủ.
Sửa đổi Phụ lục (Bảng đường bay) theo hướng không hạn chế các điểm khai thác trên các đường bay giữa hai nước: các điểm xuất phát, điểm giữa, điểm đến và điểm quá bất kỳ. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho cho các hãng hàng không linh hoạt trong hoạt động khai thác đường bay mà không đồng nghĩa với việc trao đổi thương quyền 5 (quyền vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa quốc gia cấp quyền và quốc gia thứ 3). Việc trao đổi thương quyền 5 sẽ do Nhà chức trách hàng không hai nước xem xét, thỏa thuận sau trên cơ sở nhu cầu khai thác và tình hình, nhu cầu thị trường.
Vụ HTQT