Chiều 24/3, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì buổi làm việc với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, Sở GTVT 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các đơn vị liên quan nghe báo cáo tuyến lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Theo báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam và các đơn vị liên quan, tuyến lòng hồ thủy điện Sơn La được hình thành sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành, kéo dài từ thượng lưu Thủy điện Sơn La đến hạ lưu Thủy điện Lai Châu với chiều dài 175km qua 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Tuyến lòng hồ Thủy điện Sơn La đã được Bộ GTVT phê duyệt đề án khai thác vận tải từ tháng 12/2013. Trên cơ sở đó, các tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý phương tiện và điều kiển phương tiện thủy trên phạm vi lòng hồ.
Tuy vậy, do nhu cầu vận tải và phương tiện thủy hoạt động trên tuyến phát triển nhanh chóng và mật độ tăng đột biến, tiềm ẩn mất an toàn giao thông và đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng. Đến nay, tuyến chưa được công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia và chưa được đầu tư xây dựng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa theo đề án đã được phê duyệt, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý khai thác.
Vận tải thủy trên lòng hồ Thủy điện Sơn La còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (Ảnh: VOV)
Để đáp ứng nhu cầu khai thác, đảm bảo an toàn giao thông và sớm công bố tuyến vận tải thủy nội địa quốc gia, làm cơ sở quản lý, các tỉnh đề nghị Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho phép tổ chức, khảo sát, huy động nguồn lực xây dựng biển báo hiệu đường thủy tại các vị trí cấp bách trên tuyến chính, khai thác thế mạnh của tuyến đường thủy thuộc lòng hồ thủy điện trên địa bàn 3 tỉnh nêu trên.
Sau khi nghe các đơn vị, Sở GTVT 3 tỉnh tham mưu, kiến nghị cũng như đề xuất ý kiến về việc quản lý, khai thác tuyến lòng hồ Thủy điện Sơn La, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định lòng hồ Thủy điện Sơn La là một công trình đường thủy trọng điểm quốc gia của khu vực Tây Bắc. Đề xuất của các địa phương về việc sớm chuyển lòng hồ thành tuyến đường thủy quốc gia để Cục Đường thủy quản lý là hết sức cần thiết. Trong điều kiện cần hạn chế hàng hóa trên đường bộ, việc sớm công bố, lắp đặt các biển báo giao thông, phát triển vận tải thủy là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ cũng như việc khuyến khích phát triển vận tải của Bộ GTVT. Trong năm 2015, Bộ sẽ triển khai một số công việc để cụ thể hóa đưa tuyến lòng hồ này trở thành tuyến đường thủy quốc gia theo quy hoạch được duyệt.
Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm vì thời gian qua Cục triển khai Đề án của Bộ quá chậm, qua gần 2 năm mà chưa có đề xuất gì cụ thể cho việc triển khai đề án; cần thực hiện quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ và lãnh đạo Sở GTVT 3 tỉnh cùng các cơ quan thuộc Bộ xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể để Bộ sớm công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Cục ĐTNĐ căn cứ bình đồ khu vực lòng hồ qua các lớp, phối hợp với các chuyên gia, chính quyền địa phương để giữa năm 2015 triển khai thực hiện công tác cắm phao tiêu, biển báo…
Thứ trưởng giao Cục ĐTNĐ phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư xây dựng Dự án cụ thể về việc hoàn chỉnh hệ thống biển báo của tuyến ĐTNĐ này, hoàn thành toàn bộ hồ sơ Dự án trong năm 2015, triển khai thực hiện vào năm 2016 và chậm nhất giữa năm 2017 phải hoàn thành trên toàn tuyến.
Thứ trưởng cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì cùng Cục ĐTNĐ và các đơn vị nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý lòng hồ đồng thời có các phương án chuẩn bị, hỗ trợ cho công tác quản lý phương tiện, bến bãi, đào tạo, sát hạch; tăng cường công tác kiểm tra an toàn giao thông thủy trên khu vực lòng hồ. Bên cạnh đó, giao các đơn vị đề xuất cơ chế đặc biệt cho việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện cho vùng đồng bào dân tộc khó khăn, linh hoạt về thời gian, xây dựng phương án khai thác vận tải thủy, xem xét cơ chế chính sách nhằm khuyến khích vận tải, khai thác hiệu quả vận tải thủy khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La./.
KC