Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải

Thứ tư, 01/04/2015 15:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 1/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo giữa kỳ Dự án Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải (CMTV). Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Vận tải, Kết cấu hạ tầng giao thông, Môi trường, Khoa học công nghệ, An toàn giao thông, Ban Quản lý các dự án đối tác công tư, Cục Hàng hải Việt Nam, Ban QLDA các công trình hàng hải, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (đơn vị tư vấn lập dự án) đã báo cáo nội dung và giải trình các vấn đề liên quan đến Dự án Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng tàu biển CMTV.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của dự án nhằm nghiên cứu tổng thể toàn diện phát triển tuyến luồng CMTV nhằm đáp ứng nhu cầu tàu vào cảng thông qua hàng hóa vào khu vực này; phát triển cảng cửa ngõ và hoạt động trung chuyển tại cụm cảng CMTV. Mục tiêu cụ thể là nghiên cứu nâng cấp luồng để có thể tiếp nhận thường xuyên, an toàn các tàu lớn hơn 100.000DWT vào khu cảng CMTV; tàu đến 60.000DWT vào khu cảng Mỹ Xuân - Phước An; tàu đến 30.000DWT vào khu cảng Gò Dầu. Phạm vi nghiên cứu từ phao số “0” tới khu cảng Gò Dầu dài 49km, trong đó khu vực nạo vét bằng vốn ODA vào đến Thị Vải dài 37km, khu vực từ phao số “0” đến Cái Mép dài 30km.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập dự án, giai đoạn 2008-2014, tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua các bến cảng CMTV bình quân đạt 10,94%/năm (so với 6,29%/năm của cảng biển TPHCM), riêng hàng container tăng trưởng trung bình 49,99%/năm (so với 10,94%/năm của cảng biển TPHCM).

Theo quy hoạch, cụm cảng CMTV sẽ là khu cảng trung chuyển quốc tế duy nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2030. Nếu thiết lập được các tuyến trực tiếp từ CMTV đi Châu Âu, Mỹ thì khoảng 29% khối lượng container xuất nhập khẩu của Nhóm cảng biển số 5 (tương đương khoảng 2,8 - 3,0 triệu TEU năm 2020 và 5,0 - 5,9 triệu TEU năm 2030 theo dự báo trong Quyết định số 3327/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5) sẽ không cần thiết phải trung chuyển qua các cảng Singapore, Hongkong. Không chỉ giải quyết bài toán hàng vận tải biển xa của Việt Nam, việc hình thành các tuyến vận tải từ Cái Mép đi Châu Âu, Mỹ còn là cơ sở để thu hút hàng trung chuyển quốc tế và từng bước đưa CMTV gia nhập vào mạng lưới các cảng trung chuyển khu vực và trên thế giới. Đây là lợi ích rất lớn không chỉ của kinh tế khu vực Đông Nam Bộ mà cả ở tầm quốc gia.

Thành viên dự họp tập trung báo cáo, giải trình các vấn đề liên quan đến
Dự án Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao nội dung của báo cáo giữa kỳ đã đầy đủ thông tin, lập luận logic. Để làm cơ sở triển khai bước tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn lưu ý tập trung xem xét đầu tư từ phao số “0” đến khu vực Cảng quốc tế Cái Mép, là đoạn quan trọng nhất để thiết lập cảng CMTV thành cảng trung chuyển quốc tế; đầu tư phải gắn liền với việc đưa ra các giải pháp thu hút các nguồn hàng vào khu vực CMTV bao gồm hàng xuất nhập khẩu khu vực TPHCM ra CMTV và quan trọng nhất thu hút được nguồn hàng từ các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, cảng các khu vực khác.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá khả năng xã hội hóa đoạn từ phao số “0” đến khu vực cảng Cảng quốc tế Cái Mép theo hình thức đầu tư công - tư, xem xét cụ thể tỷ lệ góp vốn của Nhà nước và Nhà đầu tư đảm bảo tính khả thi; tính toán tổng mức đầu tư, cần thiết sẽ xử lý cục bộ đoạn đó nếu trước mắt ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn lập dự án tiếp thu ý kiến của tư vấn thẩm tra và các thành viên dự họp, hoàn thiện báo cáo cuối kỳ để trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt.

VH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)